Năm 2002, Trịnh Mai Nguyên được mời vào vai Tướng Giáp trong Leclerc (Tuyết Đông Dương) của đạo diễn Marco Pico. Khi ấy, nam diễn viên sinh năm 1975 đã có sáu năm công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam, từng đảm nhận nhiều vai chính trong vở kịch của các đạo diễn như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Phạm Nhật Thành... Tuy vậy, anh vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp khi đến casting. Số người thử vai Tướng Giáp rất đông, vì vậy, khi được gọi đến khách sạn gặp đạo diễn, Trịnh Mai Nguyên không khỏi bất ngờ. Khi nhìn Mai Nguyên hóa trang, Marco Pico đã chấm anh ngay lập tức. "Lúc ấy tôi có hỏi đạo diễn: Ông thấy tôi có giống Tướng Giáp không, đạo diễn gật gù. Tôi bèn lấy cho ông xem tấm hình ông nội tôi - một người lính của Đại tướng, từng tham gia trận Điện Biên Phủ - ông ấy vỗ đùi bảo: Ông nội anh giống Tướng Giáp hiện tại, thảo nào anh giống Tướng Giáp khi trẻ" - Trịnh Mai Nguyên nhớ lại.
Sau khi nhận vai, Trịnh Mai Nguyên có một tháng để nghiền ngẫm tư liệu, hình ảnh về Tướng Giáp mà phía Pháp đã chuẩn bị. Anh rất hạnh phúc vì được đóng vai người con kiệt xuất của dân tộc nhưng cũng không khỏi lo lắng vì nhân vật ấy được hàng triệu người yêu mến. Sức ép này đã được Trịnh Mai Nguyên chuyển thành hành động cụ thể. Anh nghiên cứu thần thái, tiểu sử, nội tâm của danh tướng... để nhập vai tốt nhất. "Khi đắm chìm vào nhân vật, diễn viên có thể làm toát ra cái thần của nhân vật ấy. Có lẽ vì thế mà đạo diễn tỏ ý hài lòng về diễn xuất của tôi. Những đoạn đạo diễn đã chấp thuận nhưng bản thân vẫn thấy chưa hài lòng, tôi xin được diễn lại cho đến khi thật ưng ý mới thôi" - Trịnh Mai Nguyên chia sẻ.
Phim nói về tướng Leclerc - một vị tướng dưới thời De Gaulle. Tướng Giáp là nhân vật thứ chính, chiếm thời lượng không nhiều trên tổng độ dài 120 phút của phim. Khi hoàn thành, Leclerc được chiếu trên kênh TV1 của Pháp.
Trịnh Mai Nguyên cho rằng, nhờ Leclerc, anh được các đạo diễn nhớ đến mỗi khi cần tìm người vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ. Một năm sau Leclerc, đạo diễn Phạm Nhật Thành mời anh tham gia màn kịch Cách mạng trong Đêm hội mừng 350 năm Khánh Hòa. Tuy nhiên khác với phim Leclerc đòi hỏi diễn viên phải thể hiện được thần thái, tâm tư, tình cảm của Tướng Giáp thì Cách mạng chỉ là một hoạt cảnh, công việc người diễn viên là thể hiện hình tượng, không cần biểu đạt nội tâm nên đơn giản hơn nhiều.
Năm 2010, nam diễn viên lại một lần nữa được nhà văn Nguyễn Quang Vinh "chọn mặt gửi vàng" mời vào dự án Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên. Đây là dự án kết hợp sân khấu và điện ảnh. Hơn 300 diễn viên thuộc Đoàn kịch Nam Định, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hóa), Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Quảng Bình... cùng góp mặt trong chương trình được công chiếu và tường thuật trực tiếp trên VTV.
Gần 10 năm kinh nghiệm đã giúp Trịnh Mai Nguyên ngấm vai. Anh thể hiện rất tròn vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trẻ. Bản thân Trịnh Mai Nguyên cũng hài lòng về giọng nói nhân vật mà anh thể hiện. Tướng Giáp quê ở Quảng Bình trong khi Trịnh Mai Nguyên là người gốc Thanh Hóa, lớn lên ở Hà Nội. Khó khăn lớn nhất của anh khi vào vai Tướng Giáp chính là giọng nói. Để vượt qua trở ngại này, anh đã nỗ lực không ngừng. Ngoại trừ khi tập vở, lúc nào anh cũng cắm tai nghe, nghe đi nghe lại những đoạn phỏng vấn của Tướng Giáp. Anh cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đồng nghiệp Quảng Bình. Trong quá trình tập, nếu có từ nào phát âm chưa giống, anh sẽ được chỉnh ngay lại.
Kết thúc chương trình, một diễn viên người Huế đã tỏ lòng thán phục Trịnh Mai Nguyên bởi tuy phát âm chưa thuyết phục hoàn toàn nhưng khẩu hình của anh khá giống Tướng Giáp. "Cụ Võ Nguyên Giáp nói tiếng Pháp rất giỏi. Tôi cũng là người học tiếng Pháp từ nhỏ nên nhanh chóng học được. Không có sự trùng hợp ngẫu nhiên này thì tôi không làm được như vậy" - Trịnh Mai Nguyên bật mí.
Gần 20 năm theo nghiệp diễn, Trịnh Mai Nguyên đã có một gia sản nghệ thuật không nhỏ. Các vai diễn về Tướng Giáp chiếm số lượng ít nhưng lại là những báu vật trong gia sản ấy.
Khi đọc tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời trên VnExpress và được những người bạn Quảng Bình chia sẻ thông tin, Trịnh Mai Nguyên cảm thấy rất hẫng hụt. Điều ân hận nhất của anh là chưa lần nào được gặp trực tiếp thần tượng của mình. "Khi tham gia Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên, tôi đã từng bàn với nhà văn Nguyễn Quang Vinh mua lẵng hoa đến nhà thăm và xin phép cụ để làm chương trình. Tuy nhiên chưa kịp đến thì cụ ốm nhập viện nên kế hoạch đành lỡ dở, không thực hiện được" - Trịnh Mai Nguyên ngậm ngùi.
Ngọc Trần