Hình ảnh nước lũ trút xuống hệ thống tàu điện ngầm đã xuất hiện ít nhất ba lần trong tháng 7. Trước trận lũ "nghìn năm có một" ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô London của Anh ngày 13/7 cũng chịu cảnh ngập lụt. Gần một tuần trước đó, cơn bão nhiệt đới Elsa ập vào New York, khiến hành khách đi tàu ở khu trung tâm phải lội bì bõm giữa nước lụt.
Khắp thế giới, các hệ thống tàu điện ngầm đang phải đứng trước bài toán thích ứng với kỷ nguyên biến đổi khí hậu, trong khi nguồn tài chính cho mô hình giao thông này đang trong tình cảnh eo hẹp. Nhu cầu đi lại giữa đại dịch Covid-19 giảm mạnh khiến khả năng tài chính phục vụ nâng cấp các tuyến tàu điện ngầm thêm phức tạp.
"Thật sự đáng sợ. Làm sao chúng ta có thể chuẩn bị ứng phó với một cơn bão vốn được dự báo xảy ra trong 100 năm tới nhưng thực chất có thể ập đến nay mai", Sarah Kaufman, phó giám đốc Trung tâm Giao thông Rudin thuộc Đại học New York, chia sẻ.
Theo giới chuyên gia, những hệ thống tàu điện ngầm như tại London hay New York vốn được thiết kế từ thế kỷ trước và khó có thể thích ứng kịp thời với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Một vài hệ thống trên thế giới, điển hình là ở Tokyo, mới được gia cố trong những năm gần đây để chống lũ.
Trận "đại hồng thủy" ở Trung Quốc tuần trước cho thấy ngay cả một hệ thống tàu điện ngầm mới được xây dựng và đưa vào sử dụng chưa đầy 10 năm cũng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng vì biến đổi khí hậu.
Theo Robert Puentes, lãnh đạo Trung tâm Giao thông Eno, đơn vị nghiên cứu và tư vấn cải thiện chính sách giao thông Mỹ, việc cải tạo hệ thống tàu điện ngầm để nâng cao khả năng ứng phó lũ lụt đòi hòi khối lượng công việc và nguồn tài chính khổng lồ. Tuy nhiên, ông cho rằng các thành phố cần chấp nhận "mở hầu bao" cho các dự án nâng cấp vào thời điểm này, còn hơn là không hành động.
"Nếu không làm gì, chúng ta sẽ còn trả giá đắt hơn nữa", Puentes cảnh báo.
Giao thông công cộng đóng vai trò rất lớn trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Những mô hình như tàu điện ngầm giúp người dân thành thị hạn chế phương tiện cá nhân, qua đó cắt giảm khí thải nhà kính gây nóng lên toàn cầu.
"Tàu điện ngầm và đường sắt đô thị là một phần giải pháp khí hậu cho thế giới", Adie Tomer, nghiên cứu viên cấp cao Chương trình Chính sách Đô thị thuộc Viện Brookings, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nếu người dân thành thị liên tục lo ngại về mức độ an toàn của hệ thống tàu điện ngầm mỗi khi lũ lụt, họ sẽ nhanh chóng quay lại sử dụng phương tiện cá nhân, kéo theo ô nhiễm không khí và lượng khí thải nhà kính gia tăng.
Nóng lên toàn cầu khiến những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày một thường xuyên. Chỉ vài ngày trước đợt mưa lũ nghìn năm có một ở Trịnh Châu, lũ quét lịch sử cũng xảy ra ở nhiều nước Tây Âu, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Cùng lúc đó, nắng nóng kỷ lục hoành hành ở Scandinavia, Siberia và Tây Bắc Thái Bình Dương. Cháy rừng bùng phát khắp miền tây nước Mỹ và Canada, đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe người dân ở hàng loạt thành phố Bắc Mỹ. Biến đổi khí hậu trở thành một thực tế mà các nhà hoạch định đô thị phải đối mặt một cách nghiêm túc.
Từ khi bão Sandy quét qua New York năm 2012, cơ quan quản lý giao thông thành phố đến nay đã đầu tư khoảng 2,6 tỷ USD nâng cấp chống ngập cho toàn hệ thống tàu điện ngầm. Trong những ngày khô ráo bình thường, hệ thống chống ngập này vẫn bơm thoát khoảng 14 triệu m3. Đợt ngập đầu tháng 7 cho thấy khoản đầu tư thời gian qua vẫn chưa đủ.
"Cải thiện hạ tầng đang dần xuống cấp trong giới hạn nguồn lực thành phố, thích ứng với nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch là cả một thách thức lớn", kỹ sư Vincent Lee chia sẻ. Ông là giám đốc kỹ thuật cấp thoát nước cho Arup, công ty tham gia nâng cấp 8 nhà ga và một số hạ tầng khác cho New York sau bão Sandy.
Sự kiện ở Trịnh Châu cho thấy những dự án mới nhất vẫn có nguy cơ thất thủ vì biến đổi khí hậu. Tỉnh Hà Nam ghi nhận ít nhất 58 người tử vong trong đợt lũ lụt, trong đó có 12 người chết đuối vì kẹt trong toa tàu điện ngầm giữa dòng nước lũ.
Lượng mưa đổ xuống tỉnh Hà Nam trong ba ngày lũ bằng cả năm cộng lại, riêng khu vực Trịnh Châu là 617 mm, mức cao nhất trong 60 năm qua. Hơn 5 triệu người bị ảnh hưởng, với hơn 3.000 nhà bị nhấn chìm hoặc phá hủy và 5.500 công trình thiệt hại nghiêm trọng.
Thành phố Osaka, Nhật Bản đang áp dụng hệ thống mới để ứng phó lũ lụt cho mạng lưới tàu điện ngầm. Họ sử dụng camera để giám sát tình hình mưa lũ trên mặt đất. Một khi nước trên mặt đất ngập quá giới hạn báo động, những lối ra vào quan trọng của hệ thống tàu điện ngầm sẽ được khóa chặt trong chưa đầy một phút và hành khách lập tức được di tản qua lối thoát khẩn cấp.
Nhà ga Shibuya của Tokyo năm ngoái cũng nâng cấp hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Taisuke Ishigaki tại Đại học Kansai, "những phòng tuyến này vẫn không đủ" trong kịch bản thời tiết cực đoan và nước sông tràn bờ vào các thành phố Nhật Bản.
Một số chuyên gia cho rằng thực tế mới sẽ buộc chính phủ các nước phải đa dạng hóa phương tiện công cộng, sống chung với kịch bản các tuyến tàu điện ngầm thường xuyên ngập lụt.
Tăng cường đầu tư cho những hành lang giao thông dành riêng cho xe đạp nội đô có thể trở thành chìa khóa cho giải pháp giao thông tương lai. Chính quyền các thành phố cũng có thể đầu tư trở lại cho hệ thống xe buýt và đường sắt đô thị nhẹ, ít tốn kém hơn và giảm rủi ro từ lũ lụt, theo Bernardo Sepulveda, nhà nghiên cứu về phát triển giao thông Mexico.
"Chúng ta vẫn chịu sức ì từ thế kỷ trước và dành quá nhiều không gian trên mặt đất cho ôtô. Thực tế là một làn đường dành cho xe buýt có khả năng chuyên chở nhiều người hơn hẳn ba làn xe ôtô", ông nhận định.
Trung Nhân (Theo New York Times)