Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên hôm nay đưa tin phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa hành trình tầm xa đã được thử nghiệm hôm 25/1. Một cuộc thử nghiệm khác được tiến hành hôm 27/1 để xác nhận sức mạnh của đầu đạn thông thường đối với tên lửa dẫn đường chiến thuật đất đối đất.
Các vụ thử nghiệm được thực hiện khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm nhà máy sản xuất vũ khí. Kim Jong-un ca ngợi nhà máy đã đạt tiến bộ trong "sản xuất vũ khí chính", giữ "vị trí và nhiệm vụ rất quan trọng" trong hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, thực hiện chiến lược phát triển quốc phòng của đất nước.
Thông tin của Triều Tiên được đưa ra một ngày sau khi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo về vùng biển phía đông. Truyền thông Nhật Bản dẫn nguồn tin chính phủ cho biết các quả đạn rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế nước này.
Đây là lần thử tên lửa thứ sáu của Triều Tiên trong tháng 1, sau các vụ phóng tên lửa siêu vượt âm ngày 5 và 11/1, tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa ngày 14/1, tên lửa đạn đạo chiến thuật ngày 18/1 và tên lửa hành trình ngày 25/1.
Lần gần đây nhất Bình Nhưỡng thử nhiều vũ khí như vậy trong một tháng là hồi năm 2019, sau khi các hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump không đạt kết quả.
Trong cuộc họp Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên ngày 19/1, Kim Jong-un cho biết có thể "tái khởi động các hoạt động tạm đình chỉ", cho rằng "chính sách thù địch cùng mối đe dọa quân sự của Mỹ đã chạm đến ranh giới nguy hiểm và không thể nhân nhượng". Thông điệp này được cho là ám chỉ khả năng Triều Tiên nối lại thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Giới quan sát cho biết tần suất và thời điểm của các vụ thử tên lửa liên tiếp này đều bất thường. Triều Tiên có xu hướng phóng tên lửa để đánh dấu những sự kiện chính trị trong nước quan trọng, hoặc bày tỏ phản đối hoạt động quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Triều Tiên không có ngày lễ trọng đại nào trong những ngày đầu tháng 1, còn Mỹ và Hàn Quốc gần đây cũng không có hoạt động quân sự đáng chú ý. Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, đánh giá các vụ phóng tên lửa liên tiếp là cách Bình Nhưỡng phô diễn năng lực quân sự và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Triều Tiên năm qua đã phát triển và phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn với công nghệ ngày càng hiện đại hơn, đủ sức tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc, thậm chí căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản.
Huyền Lê (Theo Reuters)