Sau thời gian dài im ắng, việc Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa chỉ là vấn đề thời gian, chứ không phải là khả năng nó có xảy ra hay không, theo giới phân tích quốc tế. Và thời điểm đó đã đến, khi Triều Tiên sẵn sàng ra mắt những vũ khí mới được họ âm thầm phát triển trong vài năm qua.
Hành động đầu tiên là vụ thử tên lửa hành trình vào hôm 21/3. Vài ngày sau, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo, hành động bị Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều lãnh đạo khác cho là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên trong những tuần gần đây cũng tăng cường hoạt động tại các cơ sở nghi ngờ là nơi chế tạo plutonium và uranium, hai nguyên liệu quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân, theo phân tích hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington, Mỹ.
Ngoài ra, ảnh vệ tinh một cảng tại bờ biển phía đông Triều Tiên cho thấy hoạt động gần khu neo đậu tàu ngầm, dấu hiệu Bình Nhưỡng có thể sớm tung ra tàu ngầm phóng tên lửa mới, theo phân tích của 38 North, trang web chuyên về Triều Tiên.
Những động thái này khiến nhiều người dự đoán chính quyền Kim Jong-un đang nối lại các hành động "khiêu khích tên lửa" quen thuộc. Các vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên làm tăng thêm căng thẳng, nhưng đã được tính toán về quy mô, mức độ để tránh bị "phản đòn" từ Trung Quốc và Nga.
Việc kích nổ một quả bom hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vấp phản ứng gay gắt không chỉ từ Mỹ, mà còn có thể khiến Moskva và Bắc Kinh quay lưng với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, lãnh đạo Kim Jong-un có rất nhiều lựa chọn để tránh các động thái đó, theo các nhà quan sát Triều Tiên.
"Triều Tiên không cần phải vội vàng", Adam Mount, thành viên cấp cao của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, viện nghiên cứu có trụ sở ở Washington, nói. "Triều Tiên đang dần đạt được những năng lực có thể khiến giới chức Mỹ mất ăn mất ngủ".
Chính quyền ông Kim đã tỏ ra phẫn nộ với phản ứng của cộng đồng quốc tế về hoạt động thử tên lửa gần đây của họ. Hồi đầu tuần này, một quan chức của Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi những người cáo buộc nước này vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc là "đạo đức giả" và "tiêu chuẩn kép".
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm quyền tự vệ của chúng tôi chắc chắn sẽ đối mặt những biện pháp đáp trả tương tự", ông nói.
Hành động của Bình Nhưỡng đã khiến chính quyền Biden chú ý. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan lập tức lên kế hoạch gặp người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản để cùng thảo luận về việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Biden cho biết ông không đóng chặt cánh cửa ngoại giao với Triều Tiên, nhưng không có ý định gặp mặt trực tiếp Kim Jong-un, theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki.
Giới quan sát cho rằng khó có khả năng chính quyền Kim Jong-un sẽ để căng thẳng leo thang lên mức cao mới, thay vào đó là tìm cách "tăng nhiệt" dần dần và không loại bỏ lựa chọn đàm phán với Washington.
Patricia Kim, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ ở Washington, cho rằng Triều Tiên lần này sẽ "thoải mái" hành động hơn, vì Trung Quốc có thể không có nhiều áp lực phải kiềm chế Bình Nhưỡng như năm 2017, khi chính quyền Donald Trump đe dọa có hành động quân sự với Triều Tiên.
"Ưu tiên hàng đầu Trung Quốc là duy trì ổn định ở bán đảo Triều Tiên, ngay cả khi điều này đồng nghĩa từ bỏ phi hạt nhân hóa", bà nói.
Bình Nhưỡng đã quay lại hoạt động thử vũ khí quy mô nhỏ chỉ vài tháng sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc mà không đạt thỏa thuận hồi tháng 2/2019. Kể từ đó, quốc gia này đã thực hiện hơn 20 vụ thử tên lửa và động cơ tên lửa.
Hoạt động này không bao gồm các vụ thử tên lửa hạt nhân hay tầm xa, nhưng Triều Tiên đã phô diễn năng lực với những loại vũ khí khác. Bình Nhưỡng đã ra mắt ít nhất 5 hệ thống phóng mới, cải tiến các loại vũ khí tầm ngắn có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và nâng cấp khả năng phóng tên lửa từ tàu ngầm.
Hầu hết vụ thử đều được tiến hành với vũ khí có tầm bắn khoảng 600 km, có thể bao phủ toàn bộ Hàn Quốc, nhưng không thể vươn tới Tokyo hay Bắc Kinh. Nhiều vũ khí được thử nghiệm là phiên bản nâng cấp của công nghệ tên lửa hiện có.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo tuần trước dường như là phiên bản cải tiến của loại tên lửa mà các chuyên gia an ninh gọi là KN-23, giống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga.
"Tên lửa này đã cho thấy những cải tiến bất ngờ, cả về độ chính xác và khả năng né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Mỹ", Kim Jung-sup, cựu quan chức an ninh quốc gia Hàn Quốc, cho hay.
Trong vài năm qua, Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa tầm ngắn khác tương tự ATACMS, hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội Mỹ, và một loại tên lửa dẫn đường được định danh KN-25.
Hầu hết vụ thử vũ khí trong hai năm qua có một điểm tương đồng là sử dụng động cơ nghiên liệu rắn, có khả năng triển khai nhanh và hiệu quả hơn so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.
Triều Tiên hiện sở hữu khoảng 15-70 đầu đạn hạt nhân, với khả năng sản xuất nguyên liệu thô cần thiết cho khoảng 2-20 bom hạt nhân nếu cần, theo nhiều báo cáo từ các chuyên gia Triều Tiên trong năm qua. Tuy nhiên, Bruce Bennett, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp, viện nghiên cứu ở California, nói Triều Tiên có thể sản xuất nguyên liệu hạt nhân cho khoảng 10-20 quả bom mỗi năm.
Trong cuộc duyệt binh hồi tháng 10 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã trình làng mẫu tên lửa xuyên lục địa (ICBM) mới, được cho là loại lớn nhất trên thế giới. Nó sử dụng công nghệ nhiên liệu lỏng, dù có vẻ đủ lớn để mang đầu đạn hạt nhân, theo giới chuyên gia vũ khí.
Sau đó, vào tháng 1, Triều Tiên tiếp tục ra mắt tên lửa phóng từ tàu ngầm và gọi đây là "vũ khí mạnh nhất thế giới". Loại tên lửa này được cho là khó bị phát hiện hơn các loại tương tự được phóng từ đất liền.
Các phiên bản trước của loại tên lửa phóng từ tàu ngầm cho thấy chúng có khả năng vươn tới căn cứ của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản, theo các chuyên gia Triều Tiên. Những mẫu mới hơn có thể tấn công các mục tiêu xa hơn như đảo Guam, nơi đặt căn cứ quân sự Mỹ trên Thái Bình Dương.
Cho Tae-yong, cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, cho rằng sau nhiều nỗ lực phi hạt nhân hóa dưới thời Trump, vấn đề Triều Tiên cuối cùng lại rơi vào bế tắc. "Sau tất cả, Triều Tiên luôn là vấn đề của những lựa chọn khó khăn", ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)