"Trên thế giới hiện nay, khi nhiều quốc gia lãng phí thời gian ứng phó Mỹ bằng thái độ phục tùng và chấp hành mù quáng, hành tinh này chỉ có đất nước của chúng ta có thể làm rung chuyển thế giới bằng cách phóng tên lửa với lục địa Mỹ trong tầm ngắm", Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết trong tuyên bố trên trang web hôm nay.
Theo cơ quan này, hàng loạt vụ thử vũ khí mà Triều Tiên tiến hành kể từ đầu năm cho thấy "những thành tựu đáng kể" giúp tăng cường "khả năng răn đe chiến tranh" của Bình Nhưỡng. "Có hơn 200 quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ vài nước sở hữu bom khinh khí, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa siêu vượt âm", tuyên bố có đoạn.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ ra rằng họ sở hữu Hwasong-15, ICBM có tầm bắn xa nhất mà nước này từng thử nghiệm và được cho là có thể đưa đầu đạn hạt nhân vươn đến bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ, cũng như Hwasong-12, tên lửa mà Bình Nhưỡng từng đe dọa sử dụng để tấn công đảo Guam. Triều Tiên hôm 31/1 xác nhận đã phóng Hwasong-12 trước đó một ngày, đánh dấu vụ thử nghiệm vũ khí mạnh nhất kể từ năm 2017.
Căng thẳng quốc tế đang gia tăng sau khi Triều Tiên tiến hành 7 vụ thử tên lửa chỉ trong một tháng. Các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ hoặc hạn chế kho vũ khí để được dỡ bỏ lệnh trừng phạt bị đình trệ kể từ năm 2019. Washington hôm 7/2 kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, đồng thời ưu tiên nhu cầu của người dân.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc lo ngại vụ thử tên lửa Hwasong-12 hôm 30/1 có thể là bước đệm để Triều Tiên tiến đến nối lại hoàn toàn các vụ thử ICBM hoặc vũ khí hạt nhân. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, căn cứ tên lửa Hoejung-ni sát biên giới Trung Quốc có thể là nơi Triều Tiên bố trí lực lượng tên lửa chiến lược.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)