"Hòa bình thật sự chỉ có thể được bảo đảm khi một nước sở hữu sức mạnh tuyệt đối nhằm ngăn chiến tranh xảy ra. Chúng tôi đã thắt lưng buộc bụng để phát triển khả năng răn đe chiến tranh hiệu quả và đáng tin cậy nhằm tự bảo vệ mình, giờ đây hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực đã được bảo đảm chắc chắn", đại sứ Triều Tiên Kim Song nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 29/9.
Quan chức Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang bị đe dọa bởi những khí tài quân sự hiện đại như tiêm kích tàng hình được Mỹ và đồng minh triển khai trong khu vực, cũng như "mọi loại đòn tấn công hạt nhân đang nhằm vào Triều Tiên".
Ông thừa nhận các lệnh cấm vận quốc tế đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này, đồng thời những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn Covid-19 xâm nhập cũng làm Bình Nhưỡng hứng chịu thiệt hại nặng nề.
"Triều Tiên đang đầu tư mọi nguồn lực để xây dựng kinh tế, sau khi an ninh quốc gia được bảo đảm. Thực tế là chúng tôi cần môi trường thuận lợi từ bên ngoài cho quá trình này, nhưng không thể bán danh dự chỉ vì hy vọng về sự đổi mới rực rỡ, danh dự mà chúng tôi đã bảo vệ như mạng sống của mình. Đây là quan điểm nhất quán của Triều Tiên", đại sứ Kim nói thêm.
Các cơ quan giám sát độc lập của Liên Hợp Quốc hồi tháng 8 công bố báo cáo, cho biết Triều Tiên vẫn thúc đẩy chương trình hạt nhân. "Nhiều nước tin rằng Bình Nhưỡng đã phát triển được đầu đạn thu nhỏ để lắp trên tên lửa đạn đạo", báo cáo có đoạn viết.
Jenny Town, phó giám đốc 38 North, dự án theo dõi và phân tích về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, cho rằng phát biểu của đại sứ Kim Sung "không mang tính đe dọa hay ám chỉ khả năng phô diễn sức mạnh quân sự trong tương lai gần", mà chỉ tập trung vào tái thiết và hồi phục tình hình trong nước.
Triều Tiên phải chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ năm 2006 do chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau ba lần từ năm 2018, nhưng không đạt tiến bộ đáng kể khi Mỹ kêu gọi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng yêu cầu Washington chấm dứt trừng phạt.
Tháng 5/2018, Triều Tiên cho nổ tung các đường hầm tại khu thử nghiệm hạt nhân chính Punggye-ri, mà Bình Nhưỡng nói là bằng chứng về cam kết chấm dứt thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, họ không cho phép các chuyên gia chứng kiến vụ phá hủy.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, vì chỉ lối vào đường hầm bị phá hủy và không có dấu hiệu phá hủy toàn diện, một quốc gia đánh giá Triều Tiên có thể xây dựng và bố trí lại cơ sở hạ tầng ở Punggye-ri trong ba tháng để hỗ trợ thử hạt nhân.
Vũ Anh (Theo Reuters)