"Triều Tiên đang khắc phục hư hại do bão ở nhà máy Sinpo, cơ sở đóng tàu ngầm của nước này. Có khả năng họ sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) sau khi quá trình này hoàn tất", Tư lệnh không quân Won In-choul, người được đề cử làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, viết trong tài liệu gửi các nghị sĩ nước này hôm 16/9.
Markus Garlauskas, cựu quan chức tình báo Mỹ chuyên về Triều Tiên, nhận định các vụ thử tên lửa đạn đạo tiếp theo của Bình Nhưỡng "chỉ còn là vấn đề thời gian".
"Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã làm rõ rằng lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ hé lộ vũ khí chiến lược mới và ông ấy không còn cảm thấy phải tuân thủ cam kết không thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Những nhận định này cho thấy một viễn cảnh không tốt đẹp", Garlauskas nói.
Triều Tiên hồi tháng 10/2019 phóng tên lửa Pukguksong-3, đánh dấu lần đầu nước này thử SLBM kể từ năm 2017. Quân đội Hàn Quốc cho biết Pukguksong-3 đã bay 450 km và đạt độ cao 910 km. Đây được coi là hành động khiêu khích nhất của Triều Tiên kể từ khi bắt đầu đối thoại với Mỹ về vấn đề hạt nhân vào năm 2018.
Giới chuyên gia ước tính Pukguksong-3 có tầm bắn tối đa khoảng 2.000 km, biến nó trở thành tên lửa dùng nhiên liệu rắn có tầm bắn lớn nhất từng được Bình Nhưỡng thử nghiệm. Tầm bắn này khiến Pukguksong-3 được xếp vào nhóm tên lửa đạn đạo tầm trung, có thể bắn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Triều Tiên đã đình chỉ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa kể từ năm 2017, nhưng những nỗ lực do Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn đầu nhằm thuyết phục nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đã đạt được rất ít thành quả. Nếu Bình Nhưỡng phóng tên lửa trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, điều đó sẽ nhấn mạnh sự đình trệ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa, bất chấp các hội nghị thượng đỉnh chưa có tiền lệ của Trump với Kim Jong-un.
Vũ Anh (Theo AP)