Đài truyền hình trung ương Triều Tiên KCTV hôm 15/1 công bố hình ảnh lãnh đạo Kim Jong-un thị sát căn cứ không quân đang vận hành những loại máy bay không người lái (UAV) hiện đại nhất của nước này. Thời gian ghi hình không được tiết lộ, nhưng trang phục của ông Kim cho thấy chuyến thăm dường như diễn ra vào mùa hè và mùa thu.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết hai phi cơ xuất hiện trong hình gồm UAV trinh sát chiến lược Saetbyol-4 (Sao Mai-4) và UAV tấn công đa năng Saetbyol-9 (Sao Mai-9). Giới chuyên gia phương Tây nhận định chúng là bản sao gần như y nguyên của dòng RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper do Mỹ phát triển.
Triều Tiên ra mắt hai mẫu UAV này hồi tháng 7/2023 và trình chiếu hình ảnh chúng đang bay trên bầu trời thủ đô Bình Nhưỡng, cho thấy cả hai đều là phi cơ có khả năng hoạt động và không phải mô hình tĩnh để trưng bày dưới mặt đất. Tuy nhiên, thông số kỹ thuật của Saetbyol-4 và Saetbyol-9 chưa được hé lộ.
"Hình dáng và kích thước cho thấy Saetbyol-4 được thiết kế để hoạt động tầm cao và khoảng cách xa. Phiên bản RQ-4A của Mỹ có thể vận hành liên tục trong hơn 30 giờ, làm nhiệm vụ trinh sát, do thám, được trang bị các cảm biến tình báo hình ảnh, tín hiệu và đánh dấu mục tiêu đang di chuyển", chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway nhận xét.
Trong khi đó, ảnh vệ tinh cho thấy Saetbyol-9 có sải cánh 19,8 m, kém hơn một chút so với sải cánh 20,1 m của MQ-9 Reaper. Nó từng xuất hiện ở triển lãm ở Bình Nhưỡng với 6 giá treo vũ khí dưới cánh, kèm theo tên lửa đối đất có hình dáng giống dòng AGM-114 Hellfire của Mỹ.
Một số chuyên gia bày tỏ ấn tượng với khả năng sao chép của Triều Tiên, nhưng vẫn hoài nghi về năng lực thật sự của Saetbyol-4 và Saetbyol-9. Bình Nhưỡng chưa sở hữu mạng lưới vệ tinh dày đặc, khiến UAV không thể hoạt động quá xa căn cứ nếu muốn duy trì đường truyền dữ liệu tốc độ cao và khả năng kiểm soát theo thời gian thực.
"Những cảm biến công nghệ cao của dòng RQ-4 và MQ-9 vẫn nằm ngoài tầm với của Bình Nhưỡng, ngay cả khi họ có mạng lưới điệp viên ở nước ngoài. Điều đó có thể buộc Triều Tiên trang bị những thiết bị có tính năng thua kém hơn nhiều trên các UAV sao chép. Cấu trúc composite phức tạp bên trong máy bay và động cơ cũng là trở ngại không nhỏ, có thể hạn chế đáng kể tầm bay và trần hoạt động của những dòng UAV này", Rogoway nêu quan điểm.
Chưa rõ Triều Tiên làm cách nào để phát triển các mẫu UAV có hình dáng giống phi cơ Mỹ như vậy. Iran từng sao chép thành công hàng loạt UAV của Mỹ, trong đó có trinh sát cơ tàng hình RQ-170 Sentinel, cũng như bắn rơi một chiếc RQ-4N "BAMS-D" và thu được xác để nghiên cứu hồi năm 2019.
"Sự ra đời của hai phi cơ có thể coi là thành tựu ấn tượng của ngành công nghiệp hàng không Triều Tiên, đánh dấu bước nhảy vọt lớn với năng lực máy bay không người lái của nước này", Rogoway nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo KCTV, Drive)