Hôm 1/7, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, đưa tình hữu nghị song phương "lên một vị trí chiến lược mới theo yêu cầu của thời đại, cũng như nguyện vọng của nhân dân hai nước", nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thông điệp của ông Kim được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đang tìm cách thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, được giới phân tích coi là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ bền chặt với Bắc Kinh sẽ đóng vai trò lớn trong việc giúp Bình Nhưỡng thoát khỏi nguy cơ về một nạn đói như thập niên 1990.
Sau khi Covid-19 khởi phát, Triều Tiên đã duy trì một số biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, bao gồm đóng biên với cả Trung Quốc, khiến nền kinh tế thêm kiệt quệ. Lee Seong-hyon, cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc, mô tả những biện pháp chống dịch của Triều Tiên suốt 18 tháng qua là "lệnh trừng phạt kinh tế tự áp đặt cay đắng nhất".
Tom Byrne, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Korea Society tại Mỹ, cũng đánh giá tình hình Triều Tiên khá tồi tệ. Ngoài lệnh đóng biên gây thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, Byrne cho biết Triều Tiên còn thúc đẩy phi đô la hóa nền kinh tế, ngừng các hoạt động thương mại và đầu tư trong nước bằng đồng USD và nhân dân tệ, tiến hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" khắc nghiệt.
Trong cuộc họp ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 15/6, lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu tiên thừa nhận "tình hình lương thực của người dân đang trở nên đáng lo ngại". "Tình hình lương thực của người dân đang trở nên đáng lo ngại, khi ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc vì thiệt hại do bão năm ngoái", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời ông Kim nói.
Jonathan Corrado, giám đốc chính sách tại Korea Society, cho biết giá lương thực tại Triều Tiên gần đây biến động do thời tiết xấu và vụ mùa thất thu. Daily NK, trang web đưa tin về Triều Tiên có trụ sở ở Hàn Quốc, tuần trước cho biết gạo và ngô đang được bán ở Triều Tiên với "giá cắt cổ".
Tại tỉnh Bắc Hamgyong, gần biên giới Trung Quốc, gạo gần đây được bán với giá 15.000 won Triều Tiên/kg (16 USD theo tỷ giá hiện tại), gấp hơn ba lần thu nhập hàng tháng của hơn 90% người dân, theo một khảo sát công bố năm ngoái của Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc.
Việc theo dõi biến động giá cả cung cấp dữ liệu tốt nhất về hoạt động kinh tế, bởi hầu hết người dân Triều Tiên mua gạo và những nhu yếu phẩm khác thông qua giao dịch trên thị trường, chuyên gia về Triều Tiên Benjamin Silberstein cho hay. "Nhà nước chỉ cung cấp một phần tương đối nhỏ lương thực cho các công chức", ông nói.
Lương thực do nhà nước bao cấp gần như không đủ cho hầu hết các hộ gia đình, đặc biệt là tại các thành phố lớn, dẫn tới việc nhiều người phải tìm đến những khu chợ "không chính thống" để tìm nguồn bổ sung.
"Sự gián đoạn nguồn cung lương thực, được phân phối từ các nhà bán buôn đến bán lẻ, đồng nghĩa với việc nhiều gia đình chắc chắn sẽ gặp khó khăn để sống sót trong những ngày này", Corrado nhận định. Thêm vào đó, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẽ sớm tái mở cửa biên giới.
Trong Báo cáo Tình hình Nhân đạo công bố hồi tháng 2, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết 10 triệu người ở Triều Tiên được cho là không được đảm bảo lương thực, "140.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trầm trọng, tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong năm nay được dự đoán cao hơn".
"Trẻ em dưới 7 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, người ốm yếu, người già, là những nhóm đang chết đói", Hazel Smith, chuyên gia thuộc Đại học London từng làm việc tại Triều Tiên, giúp UNICEF và Chương trình Lương thực Thế giới phân tích dữ liệu nông nghiệp, cho biết.
Một nguồn tin giấu tên ở Triều Tiên của Daily NK tiết lộ kể từ đầu tháng 6, ngày càng nhiều người tại tỉnh Nam Pyongan "bán nhà và lang thang" do khó khăn tài chính. "Họ từng hy vọng biên giới sẽ được mở cửa vào tháng 5, nhưng do lệnh đóng cửa vẫn tiếp tục, họ không còn có thể bám trụ", nguồn tin nói.
Một mối lo ngại khác là bất chấp tuyên bố Triều Tiên chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV nào, việc ông Kim hôm 29/6 sa thải một số quan chức do lơ là trong một cuộc chiến chống virus khẩn cấp quốc gia, "gây sự cố nghiêm trọng", làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng dịch tại nước này.
"Bình Nhưỡng có khả năng sẽ trông cậy vào những biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, hạn chế hoạt động di chuyển của người dân, gây tổn hại thêm cho nền kinh tế", Lee nhận định, lưu ý thêm rằng chính quyền lo lắng về Covid-19 đến mức chưa cho phép Ji Jae-ryong, cựu đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc, trở về Bình Nhưỡng sau khi Ri Ryong-nam kế nhiệm ông hồi tháng 2.
Tuy nhiên, Li Nan, chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chỉ ra rằng sau nhiều thập kỷ chịu lệnh trừng phạt từ nước ngoài và suy thoái kinh tế, Triều Tiên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng, nói thêm rằng nước này có thể sẽ dần tự do hóa hoạt động thương mại tại biên giới khi đại dịch hạ nhiệt.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính Triều Tiên sẽ thiếu 858.000 tấn lương thực trong năm nay, đồng thời cho biết nếu sự thiếu hụt này không được bù đắp bằng nhập khẩu và viện trợ lương thực, các hộ gia đình có thể phải trải qua giai đoạn vô cùng chật vật từ tháng 8 đến tháng 10.
Bất chấp tình huống nan giải, Li đánh giá Triều Tiên có khả năng ngăn chặn được nạn đói, nhờ việc tăng sản lượng nông nghiệp trong nước, tiến hành dự trữ lương thực chiến lược và hướng tới nguồn nhập khẩu từ các đồng minh, đặc biệt là Trung Quốc.
"Khi người dân Triều Tiên nhìn vào thân hình gầy đi trông thấy của ông Kim, việc khơi dậy và củng cố đoàn kết nội bộ, cũng như khả năng lãnh đạo, trở nên dễ dàng hơn", Li nhận xét. Truyền hình Triều Tiên từng dẫn phát biểu của người dân Bình Nhưỡng rằng dáng vẻ "tiều tụy" của ông Kim khiến họ vô cùng đau khổ.
Nah Liang Tuang, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, đánh giá tình hình hiện nay của Triều Tiên dường như không nghiêm trọng bằng nạn đói 1994-1998, giai đoạn hàng trăm nghìn người được cho là đã chết đói.
Nah cho biết Trung Quốc, với vai trò là nước bảo trợ và ủng hộ lớn nhất, đã "duy trì mạch sống" cho Triều Tiên bằng dầu mỏ, đồng thời có khả năng sẽ chuyển viện trợ lương thực và y tế trước khi tình hình trở nên thực sự nghiêm trọng. "Một quốc gia suy kiệt nơi biên giới sẽ khiến Bắc Kinh gặp bất lợi", ông nói thêm.
Trong cuộc gặp tân đại sứ Triều Tiên Ri Ryong-nam hồi tháng 5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho biết Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng giải quyết các vấn đề kinh tế ngày càng trầm trọng.
"Một khi Triều Tiên mở cửa, Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ kinh tế và nhân đạo, liên quan đến sinh kế của người dân. Trước mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh đang cố gắng ngăn bán đảo rơi vào vũng lầy của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới", chuyên gia Li nhận định.
Li còn cho rằng sự chú ý vào vấn đề sức khỏe của ông Kim, cùng những suy đoán của truyền thông quốc tế rằng Triều Tiên sẽ sụp đổ vì lệnh trừng phạt hoặc chia rẽ nội bộ, đều là nhận thức sai lầm xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về quốc gia này.
"Triều Tiên có một hệ thống ổn định để đưa ra các quyết sách chính trị, cùng một bộ máy điều hành tương đối hợp lý, giúp các chính sách không bị gián đoạn hoặc thay đổi quá đáng kể vì tình trạng khẩn cấp", Li giải thích, nói thêm rằng điều này được thể hiện khi hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il qua đời vào năm 1994 và 2011.
Các câu hỏi về sức khỏe của ông Kim xuất hiện từ năm ngoái, sau khi lãnh đạo Triều Tiên không dự lễ kỷ niệm ngày sinh của ông nội hồi tháng 4/2020. Tình báo Mỹ thậm chí đặt ra khả năng ông Kim đang trong tình trạng nguy kịch sau phẫu thuật, hoặc những thông tin khác cho rằng ông phải phẫu thuật tim vì hút thuốc quá nhiều và béo phì.
Lee, cựu giám đốc tại Viện Sejong, đánh giá còn quá sớm để suy đoán về sức khỏe của ông Kim khi ông xuất hiện với vẻ ngoài gầy hơn, bởi lãnh đạo Triều Tiên có thể chỉ đang nỗ lực giảm cân.
"Nếu không xử lý tình trạng thừa cân, điều đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của ông ấy. Vì vậy, Kim dường như chỉ là đang chú trọng hơn đến sức khỏe bằng cách giảm cân", Lee nêu quan điểm.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)