Ảnh vệ tinh của công ty Maxar Technologies chụp vào tháng 3 cho thấy nhiều hoạt động diễn ra tại Nhà máy Cô đặc Uranium Pyongsan ở tỉnh Hwanghae Bắc của Triều Tiên, nơi sản xuất "bánh vàng", loại bột uranium thu được từ các dung dịch lọc và là tiền chất chế tạo nhiên liệu hạt nhân.
Ngoài các dấu hiệu về hoạt động sản xuất "bánh vàng", ảnh vệ tinh còn cho thấy các thùng chứa và chất thải hóa học dạng lỏng và rắn trong một cái ao của nhà máy, hai chuyên gia về Triều Tiên Joseph S. Bermudez Jr. và Victor Cha nói trên kênh NBC ngày 29/5. Các chuyên gia cho biết báo cáo đầy đủ, dự kiến được công bố vào tháng 6, sẽ cho thấy các công trình mới tại nhà máy.
![Ảnh vệ tinh Nhà máy Cô đặc Uranium Pyongsang ngày 22/3. Ảnh: Maxar.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/05/30/4-1590814175-1252-1590814223.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B_mORVFvKSLm6kkvXnXCXw)
Ảnh vệ tinh Nhà máy Cô đặc Uranium Pyongsan ngày 22/3. Ảnh: Maxar.
Victor Cha, từng là cố vấn về vấn đề Triều Tiên của cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận định việc nhà máy cô đặc uranium ở Pyongsan tiếp tục hoạt động cho thấy "nỗ lực không ngừng nghỉ của Triều Tiên để phát triển năng lực hạt nhân, bất chấp ba hội nghị thượng đỉnh đã diễn ra" cùng nỗ lực đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 24/5 thảo luận cùng các quan chức quốc phòng về việc củng cố kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin các quan chức bàn về "các chính sách mới nhằm tăng thêm khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân của đất nước, đưa lực lượng vũ trang chiến lược vào tình trạng cảnh báo cao", "tăng khả năng răn đe các lực lượng nước ngoài đang đe dọa".
Trump nói hồi tháng 3 cho biết đã gửi cho Kim Jong-un lá thư đề nghị hợp tác đối phó với Covid-19. Lá thư được đánh giá là một phần trong nỗ lực "tấn công quyến rũ" của Trump, song Triều Tiên không có dấu hiệu sẽ làm những điều Mỹ mong đợi và từ bỏ vũ khí hạt nhân.
![Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15, tháng 11/2017. Ảnh: KCNA.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/05/30/556318649a-ten-lua-Hwasong-15-5780-5908-1590812083.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ho7mUr50046xuullrZfOcw)
Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15, tháng 11/2017. Ảnh: KCNA.
Các cơ quan tình báo của Mỹ đánh giá Kim Jong-un không bao giờ tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân. Dù đã ngừng thử hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục nâng cấp kho vũ khí hạt nhân mà Washington nhận định có thể đe dọa lục địa Mỹ.
Các công trình tại Nhà máy Cô đặc Uranium Pyongsan là ví dụ cho cam kết của Triều Tiên về chương trình hạt nhân, các chuyên gia nói. Ảnh vệ tinh năm 2015 cho thấy cơ sở đã được mở rộng và các chuyên gia cho rằng những hình ảnh mới cho thấy nhà máy sẽ được mở rộng thêm nữa.
"Việc phá dỡ Nhà máy Cô đặc Uranium Pyongsan phải là một phần thiết yếu cho bất cứ thỏa thuận 'tháo dỡ toàn bộ, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược' nào giữa Mỹ và Triều Tiên", Bermudez và Cha viết trong bài phân tích do Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố.
"Nhà máy có vị trí quan trọng với lãnh đạo Triều Tiên, cũng như các chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân nước này. Thực tế chứng minh điều này khi nguồn nhân lực và tài chính hạn chế được phân bổ liên tục để chủ động duy trì, tân trang hoặc hiện đại hóa nhà máy từ năm 2003, thậm chí từ khi nó bắt đầu được xây dựng", các chuyên gia viết.
Các chuyên gia cho biết uranium "bánh vàng" có thể được làm giàu để chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng cũng có thể dùng làm nhiên liệu cho lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm của cơ sở nghiên cứu khoa học hạt nhân ở Yongbon. Lò phản ứng tại cơ sở này có khả năng sản xuất plutonium cấp vũ khí để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Nguyễn Tiến (Theo NBC)