NBC News hôm 20/9 dẫn các tài liệu rò rỉ từ Mạng lưới Chống Tội phạm Tài chính (FinCen) của Bộ Tài chính Mỹ, cáo buộc các quan chức Triều Tiên đã tìm cách "rửa" ít nhất 174 triệu USD qua các ngân hàng lớn của Mỹ, nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt trong vài năm qua.
Tài liệu này là tập hợp các Báo cáo Hoạt động Tình nghi (SAR) được các ngân hàng gửi tới FinCen khi họ nghi ngờ giao dịch của khách hàng có dấu hiệu mờ ám, trong đó có hành vi rửa tiền. Tài liệu 22.000 trang này sau đó được rò rỉ cho BuzzFeed News và được trang này gửi tới nhiều hãng truyền thông khác nhau để cùng phân tích.
Một trong các ngân hàng lớn có tên trong tài liệu là JPMorgan Chase, trong đó các quan chức Triều Tiên bị nghi đã sử dụng một loạt các công ty vỏ bọc, đôi khi được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, để tiến hành hoạt động rửa tiền.
Tài liệu dẫn một báo cáo do JPMorgan đệ trình lên Bộ Tài chính Mỹ cho biết ngân hàng này đã cho phép chuyển khoản gần 90 triệu USD liên quan đến các công ty được cho là có liên hệ với Bình Nhưỡng giai đoạn 2011-2013.
Các công ty này trước đó đều bị JPMorgan xếp vào diện "nghi vấn". JPMorgan còn khẳng định đã tăng cường ngăn chặn rửa tiền bằng cách sử dụng các nguồn lực và tuân thủ pháp luật.
"Những tài liệu các bạn có trước mặt, tôi nghĩ sẽ giúp giải thích tại sao Triều Tiên lại thành công trong việc trốn tránh lệnh trừng phạt", Hugh Griffiths, cựu quan chức Liên Hợp Quốc chuyên theo dõi các lệnh trừng phạt Triều Tiên, nói với NBC News. Cựu quan chức này còn cho rằng tài liệu này rất có giá trị bởi rất ít nhà báo, nhà điều tra, có quyền tiếp cận các tài liệu nội bộ của ngân hàng.
Eric Lorber, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng tài liệu cho thấy những gì "giống như một cuộc đổ bộ hệ thống tài chính Mỹ trong một khoảng thời gian dài thông qua nhiều con đường khác nhau theo những cách khá tinh vi".
Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về thông tin trên, thêm rằng họ đã báo cáo vấn đề lên Bộ Tư pháp. "FinCen trước đây từng tuyên bố việc rò rỉ trái phép các báo cáo mật là tội danh có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ, làm tổn hại đến các cuộc điều tra của cơ quan pháp luật và đe dọa sự an toàn và bảo mật của các tổ chức và cá nhân đã gửi các báo cáo như vậy", bộ này cho biết.
JPMorgan Chase là một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới. Công ty này có trụ sở tại New York, là đơn vị hàng đầu trong dịch vụ tài chính, lĩnh vực ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Tài sản của JPMorgan hiện là 2.441 tỷ USD, là ngân hàng lớn nhất ở Mỹ.
Từ năm 2006, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết số 1718 áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này trên các lĩnh vực gồm thương mại, vũ khí và ngoại giao cũng như một số chế tài gồm cấm bán hàng hóa xa xỉ, mở rộng đóng băng tài sản ngân hàng ở nước ngoài.
Tháng 9/2017, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau khi quốc gia này thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6. Tuy nhiên, Triều Tiên được cho là vẫn tiến hành một số hoạt động bí mật nhằm né lệnh trừng phạt.
Mai Lâm (Theo Hill/NBC News)