Những chiếc limousine bọc thép, đen bóng xuất hiện bên cạnh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hầu hết những lần ông xuất hiện trước công chúng hay công du nước ngoài. Chúng đã được lãnh đạo Triều Tiên sử dụng trong các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chúng đều là những chiếc xe sang trọng bậc nhất như Mercedes-Benz Maybach S62 hay Maybach S600 Pullman Guard, có giá từ 500.000 USD đến 1,6 triệu USD.
Năm ngoái, Kim Jong-un còn đi một chiếc limousine Rolls-Royce Phantom tới đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến công tác tới Triều Tiên. Tuy nhiên, điều gây chú ý nhất lại nằm ở câu hỏi làm thế nào Triều Tiên có được những chiếc xe này trong lúc hứng chịu lệnh cấm nhập khẩu hàng xa xỉ của Liên Hợp Quốc.
Những mặt hàng cao cấp của phương Tây đang được chuyển tới Triều Tiên thông qua một hệ thống cảng trung chuyển phức tạp, các công ty vận tải biển bí mật và những công ty bình phong, theo điều tra của báo Mỹ New York Times và Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington, chuyên theo dõi những mạng lưới buôn lậu toàn cầu.
Việc Triều Tiên có thể nhập những mặt hàng xa xỉ như xe sang cho thấy giới hạn của các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên Bình Nhưỡng nhằm gây áp lực buộc họ từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa.
Liên Hợp Quốc đưa ra lệnh cấm xuất khẩu hàng xa xỉ tới Triều Tiên từ năm 2006 theo đề nghị của chính quyền tổng thống Mỹ George W. Bush. Nhưng từ năm 2015 đến 2017, Triều Tiên được cho là đã mua những món hàng đắt tiền từ ít nhất 90 nước. Mạng lưới cung ứng và vận chuyển các sản phẩm này xuất hiện trên lãnh thổ của một số quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đồng minh của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc.
Chuyên gia nhận định việc lần ra con đường những xa xỉ phẩm như xe sang bọc thép được tuồn vào Triều Tiên vô cùng quan trọng bởi Bình Nhưỡng có thể sử dụng cùng cách thức này để nhập về các công nghệ dùng cho chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
"Để né lệnh trừng phạt, Triều Tiên sử dụng một mạng lưới phức tạp gồm các cá nhân mà họ tin cậy chuyển về nước mọi vật phẩm, từ hàng xa xỉ tới các bộ phận tên lửa", Neil Watts, chuyên gia hàng hải, cựu thành viên ủy ban thực thi lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, cho hay.
Hành trình hai chiếc Mercedes hạng sang đi từ châu Âu tới Đông Á đã minh họa cách thức vận hành của một trong những mạng lưới vận chuyển lậu xa xỉ phẩm như vậy. Qua các tài liệu công khai như hình ảnh vệ tinh hay hồ sơ vận chuyển, các nhà điều tra nhận thấy chúng được đưa qua 5 quốc gia.
Chuyến đi vòng quanh thế giới bắt đầu từ cảng Rotterdam, Hà Lan. Tháng 6/2018, hai container được xe tải đưa tới một điểm trung chuyển ở cảng, mỗi chiếc chứa một xe Mercedes trị giá 500.000 USD. Chúng nằm trong bãi tập kết hàng của tập đoàn vận tải Cosco Trung Quốc.
Hiện chưa rõ ai là người đầu tiên mua hai chiếc xe. Daimler, công ty mẹ của Mercedes, cho biết họ đã kiểm tra lý lịch những người mua hàng tiềm năng để đảm bảo công ty không bán hàng cho bên vi phạm lệnh trừng phạt.
Hai chiếc xe được chở bằng tàu trong 41 ngày tới Đại Liên, đông bắc Trung Quốc. Tàu cập cảng ngày 31/7 và hai container được dỡ ngay sau đó. Chúng lưu tại cảng tới ngày 26/8 rồi được chuyển lên một con tàu tới Osaka, Nhật Bản. Từ đây, chúng lại lên một con tàu khác để tới Busan, Hàn Quốc, vào ngày 30/9.
Chỉ một ngày sau khi cập cảng Busan, hai container được chuyển lên con tàu chở hàng mang số hiệu DN5505 treo cờ quốc gia Tây Phi Togo và hướng tới cảng Nakhodka ở vùng Viễn Đông thuộc Nga. Lúc này, hai chiếc xe được ký gửi cho công ty vận tải Do Young, đăng ký tại quần đảo Marshall, sở hữu tàu hàng DN5505 và tàu chở dầu Katrin, treo cờ Panama.
Quyền sở hữu Do Young hiện chưa rõ ràng nhưng nó dường như có mối liên hệ với doanh nhân người Nga Danil Kazachuk. Các quản lý tại Han Trade và AIP Korea, các công ty vận tải Hàn Quốc từng làm việc với hai tàu trên, đều nói chúng thuộc về Kazachuk.
Con tàu DN5505 ban đầu có tên Xiang Jin. Nó được chuyển quyền sở hữu từ một công ty đăng ký ở Hong Kong cho Do Young vào ngày 27/7, chỉ vài ngày trước khi hai chiếc Mercedes hạng sang tới Đại Liên.
Sau khi chở hai chiếc xe rời Busan vào ngày 1/10, hệ thống nhận dạng tự động của con tàu bỗng dưng ngừng truyền tín hiệu, khiến nó "biến mất" trên dữ liệu theo dõi hàng hải toàn cầu. Đây là hành động thường thấy của những con tàu muốn né lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Tín hiệu nhận dạng tự động của tàu bị ngắt trong 18 ngày. Khi tín hiệu xuất hiện trở lại, con tàu đang trên đường trở về cảng Busan, chở theo 2.588 tấn than. Số than này sau đó được bốc dỡ tại cảng Pohang, Hàn Quốc.
Hồ sơ hải quan cho thấy con tàu lấy than ở Nakhodka, thành phố cảng nằm gần Vladivostok, nơi Kazachuk đặt trụ sở. Dữ liệu giao thông hàng hải cho thấy con tàu đã báo cáo Nakhodka là điểm đến của nó sau khi rời Busan với hai chiếc Mercedes.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến không cho biết chuyện gì diễn ra ở Nakhodka. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hai chiếc xe sang có thể đã được chuyển từ Nga tới Triều Tiên bằng máy bay, bởi vào ngày 7/10, ba máy bay chở hàng của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo xuất hiện ở Vladivostok.
4 tháng sau, vào ngày 31/1/2019, một chiếc Mercedes tương tự lao băng băng trên đường phố Bình Nhưỡng. Cùng ngày, nó cũng xuất hiện bên cạnh lãnh đạo Kim Jong-un trong buổi chụp hình lưu niệm cùng một đoàn đại biểu nghệ thuật.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Kazachuk thừa nhận ông chịu trách nhiệm về tàu DN5505 nhưng từ chối cung cấp chi tiết về quá trình vận chuyển hai chiếc xe.
"Đây là bí mật kinh doanh của công ty tôi", Kazachuk nói. "Tại sao tôi phải loan báo với mọi người nơi tôi mua chiếc xe và tôi bán chúng cho ai?".
Hồi tháng hai, chính quyền Hàn Quốc bắt tàu DN5505 và tàu Katrin vì nghi ngờ chúng vi phạm lệnh trừng phạt. Tàu DN5505 lúc đó neo đậu tại cảng Pohang, mang theo hơn 3.200 tấn than, nghi là than của Triều Tiên, sau khi rời cảng Nakhodka. Tàu Katrin bị cáo buộc chuyển các sản phẩm dầu mỏ tới Triều Tiên.
Mùa thu năm ngoái, khi tàu DN5505 dỡ lô hàng than đá ở Pohang, một công ty có tên Enermax Korea đã nhận số hàng. Liên Hợp Quốc đang điều tra Enermax, công ty đăng ký tại Hàn Quốc, vì vi phạm lệnh trừng phạt.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2019 cho biết Enermax dường như là bên cuối cùng nhận than của Triều Tiên, vốn đáng lẽ được chuyển giao vào tháng 4/2018 trên vùng biển của Indonesia từ tàu Wise Honest mang cờ Triều Tiên tới một tàu chở hàng của Nga. Chính quyền Indonesia đã bắt tàu Wise Honest vào khoảng ngày 1/4.
Enermax đã ký hợp đồng khoảng ba triệu USD mua than từ một công ty đăng ký ở Hong Kong (Trung Quốc) nhưng lại khai với hội đồng thực thi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc rằng họ mua than của Indonesia từ một nhà môi giới nước này. Đến tháng 5, Mỹ thông báo họ đang giữ tàu Wise Honest.
Trong một cuộc phỏng vấn, đại diện Enermax cho hay thỏa thuận với nhà môi giới Indonesia đã đổ vỡ và không có bất kỳ giao dịch nào giữa hai bên. Họ tưởng số than được tàu DN5505 chuyển tới Hàn Quốc hồi tháng 10 và tháng hai có nguồn gốc từ Nga bởi Kazachuk nói với họ rằng chúng đến từ Nga.
Hàn Quốc đã bắt ít nhất 6 tàu từ cuối năm 2017 vì nghi ngờ chúng vi phạm các lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Tháng trước, họ bắt đầu tháo dỡ tàu Katrin, sau khi Kazachuk không muốn tiếp tục trả phí neo đậu cho con tàu bị chính phủ Hàn Quốc bắt.
Vũ Hoàng (theo New York Times)