Lệnh trừng phạt phong tỏa bất kỳ tài sản nào của ba nhóm trên liên quan tới Mỹ và cấm các giao dịch với họ, Bộ Tài chính Mỹ cho biết ngày 13/9. Ngoài ra, bất cứ tổ chức tài chính nước ngoài nào cố tình tạo điều kiện cho các giao dịch hoặc cung cấp dịch vụ cho các nhóm tin tặc này cũng có thể bị trừng phạt.
"Bộ Tài chính hành động để chống lại các nhóm tin tặc Triều Tiên đang thực hiện các vụ tấn công mạng để hỗ trợ cho chương trình vũ khí và tên lửa bất hợp pháp", Sigal Mandelker, thứ trưởng phụ trách về chủ nghĩa khủng bố và tình báo kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ, cho hay.
Theo bà Mandelker, Mỹ sẽ tiếp tục thi hành các biện pháp trừng phạt hiện có của nước này và Liên Hợp Quốc với Triều Tiên, đồng thời làm việc với cộng đồng quốc tế để cải thiện an ninh mạng cho các mạng lưới tài chính.
Nhóm Lazarus bị cáo buộc đứng sau vụ phát tán mã độc WannaCry năm 2017 gây ảnh hưởng đến 150 quốc gia và 300.000 máy tính, gây tê liệt hoạt động của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh. Bộ Tài chính Mỹ cho biết Lazarus còn chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ tấn công Sony Pictures Entertainment năm 2014.
Bluenoroff bị cáo buộc tìm cách đánh cắp hơn 1,1 tỷ USD từ các tổ chức tài chính, phối hợp với Lazarus Group để đánh cắp 80 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Các công ty an ninh mạng cũng phát hiện nhóm Andariel nỗ lực đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng, phát triển phần mềm tấn công vào các trang web đánh bạc trực tuyến và hệ thống máy tính của quân đội Hàn Quốc.
Bộ Tài chính Mỹ ban hành lệnh trừng phạt với tin tặc Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang cố gắng nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Các cuộc đàm phán bị đình trệ do bất đồng từ Mỹ và Triều Tiên, trong đó có vấn đề dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Hồi đầu tháng 9, Triều Tiên bác cáo buộc của Liên Hợp Quốc rằng nước này thu được 2 tỷ USD thông qua những vụ tấn công mạng nhằm vào ngân hàng và sàn giao dịch tiền ảo, đồng thời cáo buộc tin đồn này đến từ Mỹ.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters/AFP)