Đường đi của tên lửa Triều Tiên.
"Tôi nghĩ đây sẽ là bài kiểm tra đích thực đối với Trung Quốc", CNBC dẫn lời ông Robert Manning, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét, đề cập đến việc Triều Tiên hôm 29/8 lần đầu tiên trong vòng 8 năm phóng tên lửa bay qua Nhật Bản. Bắc Kinh "hiểu rõ người Triều Tiên đã làm thay đổi cuộc chơi với động thái này và nâng cao mức độ rủi ro", ông quả quyết.
"Giờ đây, không còn lời nào để biện minh cho việc làm ăn với các mạng lưới Triều Tiên", Manning nói. "Nếu Trung Quốc không sẵn sàng hành động đồng nghĩa họ không có ý định nghiêm túc".
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo theo hướng đông từ một khu vực gần Sunan, Bình Nhưỡng, bay qua bầu trời Nhật Bản. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), tên lửa Triều Tiên phóng, mẫu Hwasong-12, bay hơn 2.700 km, đạt độ cao tối đa khoảng 550 km trước khi vỡ làm ba mảnh và rơi xuống vùng biển ngoài khơi Hokkaido, Nhật Bản.
Hơn 2/3 giao dịch thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá Trung Quốc còn có thể làm nhiều hơn nữa để gây áp lực lên Triều Tiên trên phương diện kinh tế. Hồi đầu năm, Trung Quốc ngưng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên. Hôm 25/8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra quyết định cấm các cá nhân và tổ chức Triều Tiên làm việc tại nước này.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực quan trọng hơn cả là cung cấp năng lượng, Bắc Kinh vẫn chưa thực sự tích cực, cây bút Evelyn Cheng từ CNBC nhận định.
"Trung Quốc không đồng ý với các lệnh trừng phạt bởi họ không muốn gây bất ổn cho Triều Tiên và bởi không biết mình sẽ phải đối mặt với điều gì", Anwita Basum, nhà phân tích từ tạp chí Economist, bình luận.
Bắc Kinh muốn duy trì tình trạng căng thẳng dai dẳng bấy lâu trên bán đảo Triều Tiên bởi việc chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un sụp đổ chắc chắn sẽ tạo nên một làn sóng tị nạn không mong muốn từ Triều Tiên đổ về khu vực phía đông bắc còn nghèo đói của nước này, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ đẩy Mỹ và đồng minh Hàn Quốc tới sát biên giới Trung Quốc hơn, theo Cheng.
Giữ cho tình hình Triều Tiên ổn định đặc biệt quan trọng đối với Bắc Kinh ở thời điểm hiện tại, khi mà đại hội đảng lần thứ 19 của Trung Quốc chuẩn bị diễn ra và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hướng tới mục tiêu củng cố quyền lực.
Phản ứng trước vụ việc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh tình hình Triều Tiên "hiện ở đỉnh điểm tiến gần tới khủng hoảng" song cũng là "cơ hội mở lại đàm phán hòa bình".
Mặt khác, Bắc Kinh không tập trung lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng mà thay vào đó, họ kêu gọi các bên kiềm chế và tích cực đối thoại.
Trái ngược với Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi vụ phóng tên lửa là hành động liều lĩnh, đặt ra mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ "cân nhắc mọi phương án để đáp trả Triều Tiên".
Vụ phóng được thực hiện trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang có cuộc tập trận quy mô thường niên mang tên Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG). Triều Tiên từ lâu cáo buộc đây chính là những động thái tập dượt cho một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại Bình Nhưỡng song Hàn Quốc và Mỹ phủ nhận.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi đầu tháng còn dọa phóng tên lửa vào khu vực gần đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ trút "hỏa lực và thịnh nộ" vào Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng còn đe dọa Washington.
"Triều Tiên đã tìm ra điểm kích động lý tưởng", ông Bruce Bennett, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn Nghiên cứu và Phát triển RAND, nhận xét. "Chúng ta cần tìm ra điểm lý tưởng để thuyết phục ông Kim Jong-un không tiếp tục làm điều này".
Vũ Hoàng