Mô phỏng đường bay của tên lửa Triều Tiên
Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng việc Triều Tiên hôm 29/8 phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 bay qua lãnh thổ Nhật Bản xuống Thái Bình Dương có thể là chất xúc tác thúc đẩy Tokyo phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe Bình Nhưỡng, theo Sputnik.
"Người dân Nhật ngày càng tỏ ra lo ngại, đồng thời họ sẽ đòi hỏi những phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ hơn từ chính phủ. Tokyo có thể sẽ tính tới khả năng phát triển năng lực răn đe hạt nhân", nhà ngoại giao Anh Jonathan Clarke nhận định.
Đô đốc John Bird, cựu tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ, cũng cho rằng Washington cần ủng hộ Tokyo phát triển năng lực hạt nhân riêng, giúp đối phó mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Là quốc gia duy nhất từng bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân, Nhật Bản luôn thể hiện quan điểm phản đối chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong trường hợp bị dồn ép, Tokyo hoàn toàn đủ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân và thay đổi toàn bộ cục diện chiến lược tại khu vực Đông Á nói riêng và châu Á nói chung.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng các nước lớn như Trung Quốc không muốn gây hấn, kích động Nhật Bản bước vào câu lạc bộ hạt nhân. Chính sách "không tấn công trước" của Bắc Kinh chính là nhằm trấn an Tokyo, khẳng định nước này sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi bị tấn công phủ đầu.
Tuy nhiên, viễn cảnh Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn có khả năng xảy ra, bởi không có lý do nào ngăn cản nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này chế tạo vũ khí hạt nhân. Hiến pháp Nhật Bản cấm nước này sử dụng sức mạnh quân sự trong giải quyết tranh chấp quốc tế, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe từng khẳng định rằng hiến pháp không có điều khoản nào cấm Tokyo sở hữu hay sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lợi ích sống còn của mình.
Nhiều nhà phân tích đã đặt ra kịch bản Tokyo sở hữu một thành phần trong bộ ba răn đe hạt nhân truyền thống, bao gồm tên lửa đạn đạo trên mặt đất, oanh tạc cơ chiến lược và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, với kho vũ khí gồm 300 đầu đạn.
Hiện nay, việc Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân không đem lại lợi ích cho bất cứ bên nào. Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể đẩy Tokyo vào cuộc đua vũ trang hạt nhân, khiến căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á có thể leo thang lên tầng nấc mới, Mizokami nhận định.
Tử Quỳnh