Trong suốt đại dịch Covid-19, công nghệ RNA thông tin, còn gọi là mRNA được chú ý vì vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm. Sau thành công của vaccine Covid-19, hãng dược Pfizer tiếp tục nghiên cứu một số loại vaccine khác, mục tiêu là đẩy lùi nhiều mầm bệnh chưa có phương pháp ngăn ngừa hiệu quả, lâu dài.
Vaccine hai trong một ngừa Covid-19 và cúm
Trong cuộc họp báo tại Brussels, ngày 24/10, tiến sĩ Mark Fletcher, Trưởng nhóm Y tế về Vaccine Hô hấp tại Thị trường mới nổi Pfizer, gọi bệnh cúm là "chén thánh khoa học trong nhiều thập kỷ". Mỗi khi có công nghệ mới, các nhà khoa học sẽ thử nghiệm nó trên bệnh cúm.
"Điều đáng chú ý với công nghệ mRNA là khả năng kết hợp của nó. Chỉ bằng một lần tiêm, bạn có thể nhắm mục tiêu vào nhiều loại virus khác nhau", ông nói.
Tận dụng lợi thế đó, các nhà khoa học thử nghiệm vaccine hai trong một, ngăn ngừa cả cúm và Covid-19. Dữ liệu cho thấy người dùng vaccine có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với các chủng cúm A, cúm B và Covid-19.
Chỉ bằng một mũi tiêm, vaccine làm giảm tác động của hai loại bệnh đường hô hấp, có thể đơn giản hóa hoạt động tiêm chủng cho cả bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn thế giới, tiến sĩ Annaliesa Anderson, phó chủ tịch cấp cao kiêm trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Vaccine Pfizer, nhận định.
Tikki Pangestu, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore, cựu giám đốc Nghiên cứu Chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng loại vaccine này cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
Trả lời VnExpress, ông nhận định điều đáng lo ngại là những ca Covid-19 không được báo cáo. "Khi bi kịch về đại dịch đã qua đi và chính quyền tuyên bố Covid-19 là mầm bệnh đặc hữu, giống với cúm thông thường, mối lo ngại bắt đầu", ông nói.
Ông cho biết Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu về sức khỏe cộng đồng toàn thế giới, với khoảng 700 triệu ca nhiễm và 6 triệu ca tử vong cho đến nay. Các biến chủng mới làm tăng khả năng lây lan của virus, có thể dẫn đến một số ca nhiễm nghiêm trọng. Do đó, vaccine là vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn mối lo ngại này.
Vaccine cúm mùa
Các chuyên gia nhận định cúm mùa là một trong những gánh nặng y tế đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng. Virus gây ra 3-4 triệu ca nhiễm nghiêm trọng mỗi năm trên toàn cầu, là nguyên nhân tử vong của 15.000-70.000 người ở châu Âu.
Tiến sĩ Julia Spinardi, giám đốc y tế cấp cao về Covid-19 tại các thị trường mới nổi của Pfizer, cho biết hiệu quả vaccine thấp là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng sức khỏe này. Do đó, một trong những mục tiêu lâu dài của hãng và đối tác BioNTech là tìm cách tạo ra loại vaccine cúm hiệu quả hơn dựa trên mRNA. Công nghệ cho phép rút ngắn thời gian phát triển, giúp vaccine phản ứng nhanh với sự tiến triển của virus cúm.
Kể từ tháng 9/2022, các nhà khoa học bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba với loại vaccine cúm dựa trên công nghệ mRNA. Thử nghiệm có khoảng 36.000 người tại hơn 200 địa điểm, tận dụng mùa cúm ở Mỹ. Chuyên gia sẽ đánh giá độ an toàn, hiệu quả và khả năng dung nạp vaccine. Họ kỳ vọng có thể phát triển mũi tiêm ngăn ngừa chính xác các chủng virus đang lưu hành, tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở người dùng.
Vaccine bệnh zona
Đầu năm 2023, Pfizer thông báo bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một và hai, tìm hiểu tính an toàn và khả năng dung nạp của loại vaccine ngừa bệnh zona (còn được gọi là herpes zoster). Vaccine có tên gọi Varicella Zoster Virus modRNA (VZV modRNA). Thử nghiệm dự kiến thu hút khoảng 900 tình nguyện viên khỏe mạnh, ở độ tuổi 50 đến 69. Giai đoạn một của nghiên cứu giúp lựa chọn loại vaccine mRNA tối ưu liều dùng, lịch tiêm và công thức điều chế để chuyển sang giai đoạn hai.
Hiện nay, thế giới đã có vaccine phòng bệnh zona được phê duyệt, các nhà khoa học đặt mục tiêu sử dụng công nghệ mRNA để cho ra đời các mũi tiêm hiệu quả cao, dung nạp tốt và sản xuất được quy mô lớn trên toàn cầu.
Theo tiến sĩ Spinardi, ước tính có khoảng 1,7 triệu ca nhiễm zona hàng năm ở châu Âu. Trong đó, 1-4% bệnh nhân nhập viện vì biến chứng, 10-80% bị đau dây thần kinh, kể cả khi đã thuyên giảm bệnh. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân.
Thục Linh