Từ ngày 10 đến 21/5 tại một trung tâm thương mại ở TP HCM diễn ra triển lãm bộ sưu tập Truyện Kiều của ông La Văn Tiến. Chương trình này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 250 năm kỷ niệm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015).
Ban đầu, triển lãm được sắp xếp nằm ở tầng ba khu trung tâm thương mại. Do ít khán giả đến xem, ban tổ chức đã chuyển hơn một trăm đầu sách trong triển lãm xuống sảnh chính ở tầng trệt, tại vị trí dễ nhìn thấy nhất với mong muốn có nhiều người xem hơn.
Thế nhưng, không ít người bất bình vì hai poster lớn đặt ở khu vực triển lãm lại cung cấp thông tin sai lệch về tác phẩm của Nguyễn Du. Trong poster ghi: "Truyện Kiều là một bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du sáng tác...". Đây là sai sót nghiêm trọng vì đại thi hào Nguyễn Du viết truyện Kiều bằng chữ Nôm.
Không chỉ vậy, poster ghi sai năm sinh của Nguyễn Du từ năm 1765 thành 1766. Phần giới thiệu cũng cho rằng, tựa gốc của Truyện Kiều có tên tiếng Việt là Đoạn Trường Tân Thanh. Trong khi, Đoạn Trường Tân Thanh là âm Hán Việt.
Phần tóm tắt nội dung Truyện Kiều bị nhận xét quá ngô nghê: "... là bài thơ kể lại cuộc đời, những thử thách cũng như đau khổ của Thúy Kiều - một người con gái trẻ đẹp và tài năng, phải hy sinh thân mình để cứu gia đình. Vì cứu cha và người em trai thoát khỏi tù tội, Kiều buộc phải gã cho một người đàn ông trung niên, mà không biết rằng gã là một tay ma cô, và Kiều bị ép phải làm gái lầu xanh".
Ban tổ chức thừa nhận, do vô ý đã để xảy ra sai sót thông tin đáng tiếc. "Khi soạn thảo nội dung để mang đi in bảng giới thiệu, chúng tôi có một file chứa thông tin chưa chính xác, file này đã được điều chỉnh lại sau đó. Nhưng người mang đi in lại mang nhầm bản chưa chỉnh sửa, vì thế mới để xảy ra sự cố rất đáng tiếc", đại diện ban tổ chức nói. Theo kế hoạch, triển lãm kết thúc ngày 21/5, nhưng những người thực hiện cho biết, sẽ kịp thời sửa nội dung sai để dự kiến kéo dài thời gian chương trình đến ngày 27/5.
Một độc giả gửi đến VnExpress ý kiến về bộ sưu tập của ông La Văn Tiến: "Theo tôi, bộ sưu tập của ông Tiến là của người mới sưu tầm Kiều. Sách của ông đa số không có giá trị sưu tầm, những bản Kiều hiếm ông đều không có. Ví dụ như bản Abel des Michels 1884, Kim Túy Tình Từ của Phạm Kim Chi 1917, hoặc tập Văn Họa kỷ niệm Nguyễn Du... Những cuốn của ông đa số lại là in lại gần đây".
Ông La Văn Tiến được biết đến là người dành nhiều thời gian để tìm kiếm các ấn bản liên quan đến tác phẩm văn học nổi tiếng của Nguyễn Du. Đến nay, ông sở hữu được các cuốn Kiều với nhiều ấn bản, nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc...
Thoại Hà