- Tiếng đàn Thúy Kiều trong tranh sơn mài
Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) diễn ra triển lãm bộ sưu tập đồ sộ của ông La Văn Tiến.
Ông La Văn Tiến có hơn 40 năm rong ruổi khắp nơi tìm kiếm các ấn bản liên quan đến tác phẩm văn học nổi tiếng. Đến nay, ông sở hữu được các cuốn Kiều với rất nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc...
Ông Tiến còn sưu tập được các ấn bản Truyện Kiều do UNESCO phát hành, có bản nhỏ xíu chỉ nặng 45 gram. Bản nặng ký nhất trong bộ sưu tập mang tên 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều, nặng 3,5 kg. Ông còn sưu tập được những ấn bản tiếng Việt xuất bản năm 1972 - được in ở các nước thuộc Đông Âu - vốn chỉ phát hành ở miền Bắc những năm đất nước còn chiến tranh. Bên cạnh đó, quyển sách có giá trị lâu nhất về thời gian là tác phẩm Kiều viết bằng tiếng Pháp của học giả Petrus Ký, xuất bản năm 1911.
Ông Tiến từng mang bộ sưu tập đi tham dự nhiều cuộc triển lãm ở một số nước. Đây là lần đầu tiên ông có một triển lãm quy mô tại Việt Nam nhằm giới thiệu vẻ đẹp của Truyện Kiều đến công chúng TP HCM. "Tôi hy vọng hoạt động lần này góp phần đưa tác phẩm của Nguyễn Du đến gần hơn với mọi thế hệ yêu văn chương Việt Nam, cũng như bạn bè thế giới. Đồng thời, chương trình muốn khơi gợi niềm đam mê sưu tập của tất cả bạn trẻ, những người quan tâm đến các sản phẩm văn hóa chứa đựng tâm hồn người Việt", ông Tiến nói.
Lễ khai mạc triển lãm được tổ chức vào 18h ngày 10/5. Tại buổi này, người tham dự có dịp được thưởng thức màn trình diễn của nhóm nhạc cụ dân tộc Phù Đổng. Nhà sưu tầm La Văn Tiến sẽ dành thời gian giao lưu, chia sẻ về hành trình tìm kiếm các ấn phẩm trong buổi này.
Truyện Kiều được coi là "Tập đại thành của văn học cổ điển nước nhà". Ngôn từ, lời lẽ trong tác phẩm được dùng để đối đáp trong sinh hoạt văn hóa người Việt như: lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều, hát ví dặm Nghệ An, Hà Tĩnh bằng lời thơ trong Kiều...
Trong hàng thập kỷ qua, rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm dày công tìm hiểu, nghiên cứu Truyện Kiều.
Thất Sơn