Lấy cuốn sách Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển làm trọng tâm, buổi sinh hoạt chuyên đề của Hội Nhà văn Hà Nội (diễn ra sáng 10/3 tại 19 Hàng Buồm) bàn đến vấn đề chữ Nôm thế kỷ 15, cách nghiên cứu văn bản cổ và tiếng Việt cổ.
Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển là một cuốn từ điển nghiên cứu tiếng Việt cổ thế kỷ 15 qua Quốc âm thi tập. Sách soạn ra 2.500 mục từ và khảo sát 12.000 lượt âm tiết trong tập thơ. Tác giả Trần Trọng Dương cũng sưu tầm toàn bộ từ ngữ được Nguyễn Trãi vận dụng trong tập thơ Nôm cổ đồ sộ của thời trung đại. Cuốn sách giúp người đọc hiểu phần nào tiếng mẹ đẻ cách nay khoảng 600 năm. Người yêu tiếng Việt cũng tìm thấy những ngôn từ cổ kính, nhưng tráng lệ. Còn người yêu văn chương có thể tìm được những tứ thơ hay.
Có mặt trong buổi sinh hoạt chuyên đề của Hội Nhà văn Hà Nội, nhà nghiên cứu Hán - Nôm Trần Trọng Dương cho biết lý do thực hiện cuốn từ điển về thơ Nguyễn Trãi: "Việt Nam có hai danh nhân hàng đầu về văn chương là Nguyễn Du và Nguyễn Trãi. Trước đó Đào Duy Anh đã làm cuốn Từ điển Truyện Kiều về ngôn ngữ trong Truyện Kiều, còn Nguyễn Trãi thì chưa có. Tôi đánh giá Nguyễn Trãi là một nhân vật quan trọng, bởi sự ra đời của Quốc âm thi tập không chỉ là đại biến cố của văn học mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của tiếng Việt". Xuất phát từ suy nghĩ ấy, Trần Trọng Dương đã cặm cụi một mình nghiên cứu và hoàn thành công trình trong 5 năm, hoàn toàn tự nguyện, không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước.
Không chỉ đưa ra một từ điển ngôn từ trong thơ Nguyễn Trãi, tác giả Trần Trọng Dương còn có những tổng kết quan trọng về việc sử dụng tiếng Việt trong thế kỷ 15. Anh cho biết, qua quá trình thực hiện công trình Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển, anh thấy số lượng từ Hán Việt trong thơ Nguyễn Trãi chiếm khoảng 30%. Trong khi, thơ Nôm thời Lê Trung Hưng có tới 60% chữ Hán. Điều đó cho thấy thế kỷ 14 - 15 là thời Việt hóa rất mạnh trong ngôn ngữ. Đó là một cuộc cách tân về ngôn ngữ văn học và chức năng của tiếng Việt.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá về Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển: "Cuốn sách là một sự trân trọng văn nhân đất nước trong lĩnh vực văn hóa văn chương. Qua đó, ta hiểu sâu thêm về cách dùng từ của người xưa. Đồng thời cũng trân trọng công sức của các nhà nghiên cứu đã bỏ ra để giá trị của tiền nhân còn sống tới hôm nay".
Nhà nghiên cứu văn bản Lại Nguyên Ân đánh giá cao phương pháp nghiên cứu và công sức của Trần Trọng Dương: "Tôi làm văn bản văn học quốc ngữ, công việc đơn giản hơn nhiều so với việc nghiên cứu văn bản cổ như với tác phẩm Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển. Tôi nghĩ tác giả đã tiếp cận một vấn đề rất khó từ những căn cứ mang tính khoa học. Những người trẻ như Trần Trọng Dương đã phải học, tích lũy một vốn về chữ Hán hiện đại, chữ Hán cổ, tiếng Việt cổ và những kiến thức ngữ âm, từ vựng, kiến thức về xã hội nói chung. Điều mừng nhất ở đây là Trần Trọng Dương đã đặt công việc mình làm ở mức học thuật thế giới. Bạn ấy thuộc số ít nhà nghiên cứu trẻ của chúng ta đạt tới trình độ cao của nghiên cứu khoa học xã hội".
Học giả An Chi trong "Lời bạt" của cuốn Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển bày tỏ sự xúc động với công trình nghiên cứu của Trần Trọng Dương. Ông đánh giá công trình giúp bạn đọc hiểu và thưởng thức Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (vốn là một tác phẩm đẹp và sang của văn học cổ điển nước nhà), giúp chúng ta hiểu hơn về vẻ đẹp của thơ Nôm. Trên phương diện nghiên cứu, học giả An Chi đánh giá: "Sự ra đời của Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển đem đến cho chúng ta một thông điệp đáng mừng là trong khi các nhà nghiên cứu Hán - Nôm lão thành lần lượt ra đi, thì đang có một đội ngũ chuyên gia Hán - Nôm trẻ được đào tạo chính quy, đầy năng lực, vững quyết tâm ghé vai gánh vác công cuộc khai thác vốn cổ của dân tộc mà các bậc tiền bối bàn giao lại".
Lam Thu