Đa phần tác phẩm chưa từng được giới thiệu trước công chúng, bao gồm: tranh sơn dầu trên vải, tranh lụa, ảnh và in thạch bản. Đại diện ban tổ chức giới thiệu trên website: "Triển lãm là cơ hội khám phá một phong cách cá nhân thấm đẫm chất thơ, với đường nét và màu sắc lấy cảm hứng từ đời sống, văn hóa truyền thống Việt Nam".
Kéo dài từ ngày 16/6 đến 24/10 tại thành phố Macon - nơi cố danh hoạ từng sống. Sự kiện do bảo tàng Ursulines kết hợp bảo tàng Cernuschi - chuyên về nghệ thuật châu Á tại Paris - tổ chức. Bà Mai Lam Phương - con gái ông Mai Trung Thứ - tư vấn, hỗ trợ thực hiện. Theo cơ quan truyền thông Macon, triển lãm được Bộ Văn hóa Pháp công nhận có tầm ảnh hưởng quốc gia.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết ông nhận được lời mời từ phía bảo tàng nhưng do dịch không thể sang Pháp tham dự. Theo ông, sự kiện là cơ hội để khách thưởng lãm tranh Đông Dương biết về Mai Trung Thứ một cách rõ ràng hơn. Bảo tàng Cernuschi - đơn vị tổ chức - là một trong hai bảo tàng danh tiếng ở Paris chuyên về nghệ thuật châu Á. "Triển lãm lưu danh một họa sĩ lớn của nền Mỹ thuật Đông Dương, người mới đây có tác phẩm đạt kỷ lục tranh Việt trên sàn đấu giá", ông Khôi nói.
Sinh thời, họa sĩ từng tổ chức ba triển lãm cá nhân: Trẻ em của Mai Thứ (1964), Phụ nữ dưới con mắt Mai Thứ (1967), Thế giới thơ của Mai Thứ (1980). Những năm gần đây, tranh của ông xuất hiện trong một vài triển lãm chung về hội họa Việt Nam. Hồi tháng 4, Portrait of Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phương) của Mai Trung Thứ đạt 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" tại Sotheby's.
Mai Trung Thứ là họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại Pháp. Tên tuổi ông gắn liền những tác phẩm tranh lụa đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc Á Đông. Mai Trung Thứ cùng Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ được mệnh danh "tứ kiệt trời Âu" của nền hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm).
Hiểu Nhân