Chất vấn tại Quốc hội sáng nay (9/11), đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) hỏi tình trạng thay đổi liên tục trong quy hoạch điện VII và lộ trình triển khai quy hoạch điện VIII. Trả lời, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tổng sơ đồ điện VIII về cơ bản đã hoàn thành và đang tiến hành thẩm định ở cấp bộ.
"Hy vọng theo đúng kịch bản, trong đầu tháng 12 này sẽ có văn bản thẩm định và báo cáo với Thủ tướng xem xét, phê duyệt để đầu năm 2021 sẽ tổ chức triển khai thực hiện", Bộ trưởng Tuấn Anh thông tin.
Về việc phải điều chỉnh quy hoạch điện VII, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch ban đầu vào năm 2016 để triển khai, nhưng trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, đất nước có nhiều tình huống mới và có những biến động.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã quyết định dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Tiếp theo, khi triển khai sơ đồ điện VII hiệu chỉnh, nhiều địa phương đã đề nghị không tiếp tục thực hiện các dự án điện than "do những nhu cầu và yêu cầu khác nhau trong giai đoạn phát triển". Một số dự án điện than và nhiệt điện khác bị chậm tiến độ khi không còn được hưởng các cơ chế như bảo lãnh của Chính phủ hay những cơ chế ưu đãi đặc biệt.
"Vì vậy, hàng loạt dự án đã bị chậm tiến độ, thậm chí có những dự án mắc nhiều sai phạm trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, như điện Thái Bình 2, ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu của nguồn điện cũng như đảm bảo cân đối cung, cầu điện", Bộ trưởng nói và cho biết, dựa trên tình hình thực tế, các hình thức năng lượng tái tạo mới được bổ sung để đảm bảo yêu cầu phát triển của đất nước.
Điều này cũng là lý do liên tục trong thời gian qua, Chính phủ đã có các biện pháp để bổ sung các quy hoạch điều chỉnh về năng lượng, trong đó cho phép phát triển các năng lượng tái tạo để đảm bảo cân đối cung, cầu điện.
"Chắc chắn tới đây, những nguồn năng lượng mới, năng lượng có tiềm năng và năng lượng sạch, năng lượng có điều kiện để phát triển khai thác có hiệu quả ở Việt Nam sẽ được quan tâm", ông Tuấn Anh cho biết.
Minh Sơn