"Với Việt Nam, giai đoạn này chúng ta có thể thử nghiệm công nghệ và thương mại thì được. Nhưng nếu triển khai chính thức thì phải 'vừa ném đá vừa dò đường'", ông Thắng chia sẻ tại tọa đàm về 5G, được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo ông Thắng, cơ hội có được từ công nghệ 5G là không cần bàn cãi. Tuy nhiên cơ hội cũng đi kèm thách thức. Việc triển khai 5G cần xem xét đến các thách thức với nhà cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất thiết bị, nhà quản lý và người sử dụng. Vì vậy, thời điểm triển khai 5G là một câu hỏi lớn hiện nay.
Vận dụng kinh nghiệm trong giai đoạn triển khai 3G và 4G tại Việt Nam, nguyên Thứ trưởng TT&TT cho rằng, thời điểm triển khai 5G có thể căn cứ theo một số yếu tố, gồm: tiêu chuẩn công nghệ chính thức cho mạng đã có chưa; số lượng người dùng hiện nay như thế nào; và các thiết bị, ứng dụng 5G đã sẵn sàng hay chưa.
Ông Thắng lấy ví dụ một số nước triển khai công nghệ mới quá sớm, nhưng công nghệ này lại không đúng chuẩn từ Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), dẫn đến tốn kém và lãng phí. "Thời 3G, 4G, các tiêu chuẩn của nhà sản xuất được đưa ra sớm, sau đó ITU sẽ tập hợp lại để ban hành chuẩn chung. Nếu không cẩn thận áp dụng theo chuẩn của nhà sản xuất, có thể gây tổn thất cho doanh nghiệp", ông Thắng nói.
Thời gian triển khai cũng phụ thuộc số lượng người sử dụng. "Nếu càng nhiều người dùng, giá thiết bị sẽ càng phù hợp. Ngược lại, ít người dùng, giá thành thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối sẽ cao". Ngoài ra, khi triển khai 5G cần xem xét đến nhu cầu của người dùng trong thực tế như thế nào. Lấy ví dụ số liệu từ một doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam, ông Thắng cho biết doanh thu từ dịch vụ data hiện chỉ chiếm khoảng 33 - 34% tổng doanh thu. Người dùng vẫn có nhu cầu lớn với dịch vụ thoại và tin nhắn truyền thống.
"Các doanh nghiệp triển khai 5G đi chậm, đi sau chưa chắc đã không tốt, và đi trước chưa chắc đã giỏi", ông Thắng nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Duy Lâm, chuyên gia giải pháp từ Huawei cũng đưa ra ba thách thức khác với các đơn vị cung cấp dịch vụ khi triển khai 5G. Đó là: Cần mật độ trạm dày hơn 4G; Trên mỗi trạm cần không gian lớn cho hệ thống 5G và thách thức về mặt thời gian khi triển khai.
Báo cáo của Huawei chỉ ra việc hiện tại, nhiều nhà mạng phải đầu tư xây dựng phòng máy, lắp đặt thiết bị với chi phí lớn, thời gian triển khai lâu. Tại các thành phố lớn, khoảng 70 - 80% các trạm được lắp đặt trên mái nhà, không gian của trạm nhỏ, phải chứa các thiết bị 2G/3G/4G nên không đủ chỗ cho các thiết bị 5G. Ngoài ra, lượng điện năng tiêu thu của hệ thống cũng chiếm tới 25% tổng chi phí vận hành mạng lưới, gây tốn kém lớn.
Đơn vị này gợi ý các nhà mạng có thể sử dụng các trạm indoor và outdoor với diện tích nhỏ gọn, thời gian xây dựng nhanh chóng, hoặc các thiết bị dưới dạng module treo thẳng lên cột. Tại các trạm, nhà cung cấp có thể sử dụng ăng-ten có nhiều cổng kết nối, hỗ trợ nhiều băng tần, để trên cột chỉ cần một ăng-ten và có thêm không gian để lắp thiết bị 5G. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ mới là cần thiết, chẳng hạn một số thiết bị viễn thông hiện nay sử dụng AI để ước đoán thời điểm lưu lượng phù hợp, tắt bớt thiết bị không sử dụng để tiết kiệm năng lượng.
5G dự kiến sẽ được cấp phép chính thức tại Việt Nam vào năm 2021. Theo đại diện Cục Viễn thông, việc triển khai có thể không diễn ra đồng loạt trên cả nước, mà phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, sẽ triển khai trước ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng - nơi có nhu cầu về tốc độ cao, mật độ người sử dụng lớn; hoặc ở ngay các khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài, nơi có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh.
Hiện tại, ba nhà mạng lớn tại Việt Nam là VNPT, MobiFone, Viettel đang trong quá trình thử nghiệm thương mại 5G.
Lưu Quý