"Sẽ miễn cước 5G trong quá trình thử nghiệm, ít nhất đến hết tháng 1/2021. Sau đó, giá cước cơ bản sẽ như 4G", đại diện VNPT chia sẻ tại buổi tọa đàm về 5G, được tổ chức tại Hà Nội, sáng 17/12.
Tương tự, MobiFone cũng cho biết giá cước sẽ "tuân thủ theo quy định chung" và các nhà mạng đều làm như vậy. "Gói cước và cách tính cước cơ bản dựa trên nền tảng của 4G", đại diện MobiFone nói.
Viettel cũng đang miễn phí cước 5G cho người dùng thử nghiệm thương mại.
Theo các nhà mạng, người dùng cũng không cần đổi sim mà có thể sử dụng 5G trên chính sim 4G. Yêu cầu duy nhất là thiết bị đầu cuối là thiết bị 5G được hỗ trợ. Hiện tại, nhiều người dùng mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel đã có thể sử dụng 5G miễn phí tại các địa điểm thử nghiệm thương mại của ba nhà mạng này ở Hà Nội và TP HCM.
Một số thiết bị có thể sử dụng mạng 5G thử nghiệm tại Việt Nam gồm: Nokia Nokia 8.3 5G, Oppo Find X2/X2 Pro, Xiaomi Mi 10T Pro 5G, Poco F2 Pro, Huawei P40/P40 Pro/P40 Pro Plus.
Theo ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng Ban Công nghệ VNPT, trên thế giới, smartphone 5G đa dạng nhiều phân khúc từ vài trăm đến vài nghìn USD. Việc Bộ TT&TT cấp phép 5G cũng sẽ là lực đẩy để các smartphone 5G đa dạng hơn tại Việt Nam.
Trong ba nhà mạng, Viettel vừa là nhà cung cấp dịch vụ mạng, vừa phát triển thiết bị, tuy nhiên, đơn vị này cho biết sẽ không trực tiếp sản xuất thiết bị đầu cuối. Việc sản xuất điện thoại 5G, theo Viettel, là thế mạnh của các nhà sản xuất như Bkav, VinSmart. "Viettel sẽ tập trung vào mạng lõi và trạm phát sóng, để tạo nên hệ sinh thái sản phẩm Make in Vietnam đầy đủ", đại diện nhà mạng này nói. Hiện tại, Viettel đang hợp tác với VinGroup để phát triển hệ thống 5G. Trong đó, VinSmart chịu trách nhiệm phát triển và cung cấp thiết bị vô tuyến, còn Viettel nghiên cứu và phát triển thiết bị xử lý tín hiệu, hệ thống mạng lõi 5G.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Cục Viễn thông cho biết, 5G dự kiến sẽ được cấp phép chính thức tại Việt Nam vào năm 2021. Tuy nhiên, việc triển khai có thể không diễn ra đồng loạt trên cả nước, mà phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, sẽ triển khai trước ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng - nơi có nhu cầu về tốc độ cao, mật độ người sử dụng lớn; hoặc ở ngay các khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài, nơi có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh.
Theo đại diện một nhà mạng, 5G sinh ra để phục vụ kết nối vạn vật, hoặc các ứng dụng có thể tận dụng được đặc trưng của 5G, như tốc độ truyền nhanh, độ trễ thấp. Vì vậy, bước đầu công nghệ này sẽ được triển khai ở khu vực phát triển mật độ cao, nơi đầu cuối 5G đã có và khách hàng sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để có trải nghiệm khác biệt.
"Trong 1 - 2 năm tới, 5G sẽ tập trung phát triển ở các khu công nghiệp, thành phố lớn. Từ năm 2023 đến 2025, 5G sẽ được phổ cập như 4G, lan tới những vùng nông thôn", đại diện nhà mạng này thông tin thêm.
Theo đại diện Cục Viễn thông, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 sẽ xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN; năm 2030 mạng 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân truy nhập Internet băng rộng với chi phí thấp.
Lưu Quý