Sách Tân liêu trai do Phong Ngạn (bút danh khác là Bình Nguyên Lộc) viết, xuất bản lần đầu năm 1959, Nhà xuất bản Trẻ tái bản quý I năm nay. Tác giả mượn những câu chuyện màu sắc liêu trai để nói chuyện con người. VnExpress trích đăng một số truyện ngắn trong sách.
Giữa tháng chạp năm đó, giáo Quan chở ba xe cam nhông dưa xuống Sài-Gòn bỏ cho vựa. Thầy không mua sắm Tết, mà lại bọc tiền đáp xe đò về Tây Ninh, vì dưa năm đó có giá nên thầy định làm một chuyến nữa để kiếm thêm tiền.
Thầy đi chuyến xe chót, và khi qua khỏi B.Q. được vài cây số thì xe bị ăn banh. Bấy giờ trời đã chạng vạng tối. Xe đổ ngay trước một xóm cũng khá đông-đúc mà nhà nhà đã lên đèn. Nhờ thế, hành khách (người nào cũng có bọc nhiều tiền trong túi) được đỡ sợ cướp bóc.
Trảng-Bàng thuộc tỉnh Tây-Ninh, nơi sản-xuất dưa hấu ngon nhứt miền Đông. Nhưng cái ý nghĩ phải ngồi trên xe suốt đêm để đợi sáng bắt chuyến xe nhứt mà về, làm ai cũng ái-ngại. Có người đón xe nhà đi xuống để có giang mà trở lại Sài-Gòn. Có người đón xe nhà đi lên để về Gò-Dầu, Trảng, hay Tây Ninh, về bất kỳ đâu, miễn khỏi ở giữa cánh đồng này.
Nhưng người đón xe thì nhiều, mà người được rước đi thì ít. Rốt cuộc (chuyến xe ăn banh chở tất cả hăm lăm hành khách) còn lại cũng non hai mươi. Sáu hành khách không tiền gạo gì cả, quyết định ngủ trên xe với bác tài-xế và anh lơ. Còn mười mấy người kia thì đổ xuống xóm để xin ngủ nhờ.
Giáo Quan cũng ở trong số người đó. Thầy ta còn trẻ, đã làm thầy giáo mấy năm, không yêu nghề, nên xin thôi việc, ra buôn gỗ. Buôn dưa là một trò phụ, thầy làm chơi kiếm tiền xài Tết. Vì còn trẻ nên thầy ngại-ngùng, đến trước nhà nào thầy cũng do dự giây lát, rồi bỏ đi luôn.
Thế này thì chắc phải trở về ngủ trên mui xe thôi, thầy vừa đi vừa nghĩ. Chợt thầy Quan đi trờ tới trước một cái quán nhỏ. Đó là một cái chòi, nói đúng hơn là một cái lều, ở đầu xóm, hay cuối xóm cũng thế. Lều lợp tranh, thấp và nhỏ như chuồng gà.
Quan biết đó là một cái quán nhờ có thố kẹo để trên chiếc bàn con trước cửa dùng làm quầy. Trên bàn lại có để một xâu nem, một chai rượu thuốc và một cài ly. Ngọn đèn dầu xao xuyến trước gió đông tỏa một ánh sáng buồn ngủ lên tất cả cái nghèo nàn ấy. "May lắm", Quan nghĩ, "vào đây ăn bậy nem, bánh tráng đỡ lòng, rồi nếu xin ngủ được thì ngủ ở trong quán này, tự do hơn là ngủ nhờ nhà của người ta".
Nghĩ xong, Quan bước vào và bỗng giựt mình mà nghe sau lưng mình có tiếng con gái hỏi:
- Dạ thầy muốn mua chi?
Thầy quay lại thì thấy trong vệt sáng vàng khè từ cửa lều đưa ra, một thiếu nữ độ 26, 27 tuổi xinh đẹp lạ, và nhứt là có bộ sạch sẽ đối chọi rõ rệt với chiếc lều tồi tàn này. Cô gái có lẽ đứng ngoài sàn nhỏ, núp trong bóng tối ngó cái đám người gặp nạn giữa đường, mà Quan, khi vào nhà, mãi nhìn ngọn đèn, sơ ý không thấy.
Quan đứng tần-ngần giây lâu rồi đáp:
- À, tôi định vào đây ăn nem.
- Mời thầy vào.
Thiếu nữ ăn nói không quê một tí nào cả. Quan yên trí sẽ gặp hai vợ chồng già, bây giờ lại gặp phải một cô gái còn trẻ, lại xinh đẹp thì cái vụ ngủ nhờ này mới tính sao đây?
- Dạ thầy ăn nem cuốn, hay để riêng cho thầy tự cuốn lấy?
- Cô cuốn cho vậy. Tay tôi dơ dáy lắm.
- Hoa ơi! Tắm xong chưa?
Từ đâu ngoài sau nhà, một thiếu nữ khác, dạ một tiếng rồi chạy ra. Cô này chỉ độ hai mươi thôi, tươi trẻ hơn chị nhiều nhưng lại kém duyên hơn. "Hai chị em chủ quán, giống trong truyện kiếm-khách Tàu dữ", Quan nghĩ thầm.
Cô chị bảo:
- Em đi cắt ba cọng rau rồi rửa sạch coi.
Cô em không nói không rằng quày-quả trở ra sau. Trong khi ấy thì cô chị trải bánh tráng nhúng ra, lột nem rồi bẻ nhỏ để lên bánh tráng, đoạn đi làm nước mắm. Mùi tương ớt nghe thơm ngọt, khiến Quan chảy nước miếng nuốt ừng-ực.
Rau đã được đem vào, rồi hai chị em lo cuốn nem.
- Cô cuốn cho bốn cuốn mỗi cuốn hai chiếc.
Quan ngồi nhìn bốn bàn tay trắng làm việc một cách thông thạo: nem cuốn chặt tay và tròn lắm. Bốn cuốn nem không mấy chốc đã xong, cô gái lớn sắp lên dĩa rồi bưng lại bàn:
- Chén dĩa xấu, mà sạch lắm, thầy cứ ngon miệng đừng ngại gì.
- Cô không nói tôi cũng biết là sạch, còn ngon miệng thì chắc-chắn là ngon miệng.
- Dạ, thầy uống rượu không? Chị em của em chẳng có rượu tây rượu gì, chỉ có rượu thuốc thôi, mà cũng ngon.
- Cám ơn cô, tôi ít uống rượu lắm.
- Đêm lạnh, thầy nên uống cho ấm chớ.
- Ngồi đây cũng nghe ấm lắm rồi. Tôi chỉ tiếc không ngồi được mãi ở đây, lát nữa lại phải trở ra xe.
- Té ra thầy là bộ hành của chiếc xe ăn banh đó?
- Phải, và tôi đi lang-thang từ sớm đến giờ.
- Em thấy họ vào xóm hết.
- Nhưng tôi không thích thế. Tôi thích tìm quán trọ hơn. Nhưng rủi lại gặp cô. À không, cô đừng hiểu lầm. Tôi nói rủi là rủi về phần tìm chỗ trọ thôi, cô là gái, bất tiện lắm. Nhưng về phần khác thì lại là may: nem của cô ngon, cô lại tử-tế lắm.
Cô chị vừa nghe vừa lấy ly rót rượu.
- Rượu thuốc này, họ nói là uống êm mình êm mẩy gì đó em không rõ, nhưng ngon lắm, ai cũng ưa hết: ông ăn nem mà không uống rượu đâu có ngon.
Quan uống một ly nhỏ, thì nghe bừng bừng ở tai. Chàng nói huyên-thiên và không giữ lời nữa. Cô gái, lạ thật không nổi giận trước những lời cợt nhả của chàng, lại còn như khuyến-khích. Cô em nhỏ, nhìn chị mỉm cười, rồi rút đi đâu mất.
Quan lại uống thêm mấy ly, kéo ghế xích lại gần cô chủ quán. Và cứ thêm một ly là chàng gần thêm cô nọ vài tấc và dạn lời thêm vài phần. Mãi cho đến khi anh xích lại gần sát cô ta thì anh nghe đất đã mềm lắm và thân hình của anh đã nhẹ như khói như mây.
Mặc dầu thế, anh còn nhớ được ca-dao để mà hát: Tẳn-mẳn tê-mê cũng vì cô bán rượu, Liệt chiếu liệt giường, cũng bởi chị bán nem. Hát xong, cả hai cùng cười dòn tan.
Quan cười như vua Trụ say trên sân khấu. Anh đặt tay lên vai cô gái rồi ngã gục xuống, lịm đi. Khi chàng ta tỉnh dậy thì thấy không còn nhà cửa gì cả. Chàng rờ quanh mình thì đụng phải đất ướt sương. Đằng hướng đông, nền trời vừa rựng sáng. Hoảng-hốt, Quan ngồi dậy. Bên cạnh chàng, cách đó bốn năm thước, có một ngôi mộ cổ, đá mộ đã bể nhiều chỗ, và ngay cạnh búp sen một miệng hang to mở toát ra.
"Trời ơi," chàng nghĩ, "hai chị em con bé có thể là ma! Cũng có thể là hồ-ly! Hang này có phải chăng là hang chồn?". Nghĩ xong, Quan càng hoảng, đứng lên mà chạy một mạch về chỗ xe đậu cách đó lối 900 thước.
Thấy bộ hớt hơ hớt hải của anh, người ta bu lại hỏi thăm rồi cả bọn rủ nhau đi xem nhà ma. Đến nơi họ thấy một khoảng đất khô có dấu cất lều trên đó. Bếp lửa đặt ngay dưới đất còn dấu tro ràng ràng. Người ở xóm gần đó cũng bu lại.
Quan níu một bác nhà quê mà hỏi:
- Anh có biết hai chị em bán quán đây không?
- Có, có biết.
- Té ra không phải hồ ly à. Nhưng sao đầu hôm, nhà còn, sáng ra nhà mất?
Bác nhà quê ấy không nhà quê chút nào. Bác hóm-hỉnh nhìn Quan mà cười:
- Hai chị em cô đó đi theo bán quà cho bọn lính Nhựt. Toán lính Nhựt đóng tạm ở đây đã kéo đi hôm kia, thì hôm nay hai cô đi là phải. Còn họ mà đi gấp ban đêm là thầy phải coi lại cái túi của thầy.
Quan giựt mình sờ lại bóp phơi, và mừng mà thấy nó vẫn còn nằm nơi túi trong của chiếc áo tây. Tuy vậy, chàng cũng rút ra xem lại. Giấy tờ thì còn đủ, nhưng một ngàn mấy tiền bán dưa đã bay đâu mất. Hồ ly tinh ngày nay không hớp hồn, mà chỉ hớp tiền mà thôi.
Phần một, Phần hai, Phần ba, Còn tiếp
(Trích Tân liêu trai, Nhà xuất bản Trẻ)