Sách Tân liêu trai do Phong Ngạn (bút danh khác là Bình Nguyên Lộc) viết, xuất bản lần đầu năm 1959, Nhà xuất bản Trẻ tái bản quý I năm nay. Tác giả mượn những câu chuyện màu sắc liêu trai để nói chuyện con người. VnExpress trích đăng một số truyện ngắn trong sách.
Ngôn đứng núp sau một chậu kiểng, riêng biệt một mình một động. Không phải là chàng không ưa sự chung đụng với mọi người. Không ưa sao lại có mặt hôm nay trong buổi dạ hội này, tại nhà ông Ích-Thành?
Nhưng chàng hóm lắm. Nếu ra mắt thì phải trò chuyện với nhóm nào đó, rồi lát nữa, đến lúc khiêu vũ, thế nào cũng phải nhảy với một phụ nữ trong nhóm đó, vì không lẽ bỏ họ chạy đi kiếm người ngoài.
Chàng núp bóng mà nhìn, như con mèo rình mồi. Hễ chấm được con mồi rồi, chàng mới bỏ chỗ trú ẩn, men đến xóm ấy làm quen, và thế nào cũng sẽ nhảy với một người vừa ý.
Ngôn không coi môn khiêu vũ là một nghệ-thuật. Hay nói cho đúng, chàng không khiêu vũ vì nghệ thuật khiêu vũ, nên chàng chỉ theo sở thích bề ngoài mà chọn cặp, chớ không phải căn-cứ vào tài nhảy của những người quen biết sẵn.
Ông Ích-Thành là một nhà giàu mới, nên chi những chỗ ông quen biết rất phức-tạp. Có đủ các hạng khách từ những nhà thầu-khoán mà sự nghiệp mới nổi lên, đến các công chức cao cấp. Vì nhiều giới quá, nên Ngôn không quen biết cho hết và những tân khách kia cũng không biết nhau cho hết được.
Bỗng Ngôn chú ý đến một người đàn-bà mặc chiếc áo Sergila màu lạ. Ngôn chưa từng thấy ai dùng màu đó bao giờ. Trời đầu đông bắt đầu lạnh đã mấy hôm rồi. Thế mà thiếu phụ ăn mặc đơn-sơ như vậy lại không có vẻ gì khó chịu bởi thời tiết cả. Lụa Sergila tuy dày thật, nhưng có thấm vào đâu với cái lạnh đầu mùa?
Thiếu phụ mặt xương, hơi gầy, đôi mắt sáng lạ lùng. Ngôn đứng quan sát hồi lâu thì nhận ra rằng nàng cố tránh những người đứng tuổi và những người trạc tuổi nàng, và chỉ chịu chuyện trò với những người trai trẻ thôi. Nàng sợ người ta hỏi nàng là ai chăng? Bọn trai trẻ thì cóc cần dĩ-vãng của bất kỳ ai và chỉ thích sống với hiện tại thôi.
Thiếu phụ không bao giờ ngồi, cầm ly sâm-banh đi hết góc này đến góc khác, thỉnh-thoảng lại núp sau mấy chậu kiểng như chàng.
Ngôn làm quen với nàng không khó khăn lắm. Nhưng biết nàng là một việc mà chàng không dám mong.
Đây là một người đờn bà khôn-ngoan bực nhứt, kín-đáo vô song, và có một cuộc đời kỳ-dị như những cái nhìn khó hiểu của nàng.
Nàng nói chuyện rất có duyên. Nàng đẹp, một vẻ đẹp đã về chiều. Nhưng có gì say sưa quyến-rũ bằng sự mỏng-manh của ngày sắp tắt?
Ngôn mát tay lắm, đã chọn được một tay kỵ mã nhảy rất giỏi. Đến khuya thì họ đã trở nên đôi bạn thân.
Nhìn thấy tân khách bắt đầu uể-oải, thiếu-phụ nói nhỏ với Ngôn:
- Em muốn về bây giờ.
- Sao cô lại về sớm thế?
- Em muốn thừa dịp khách khứa còn đông, rút êm theo kiểu Ăng-lê.
Đến đây Ngôn mới sực nhớ một điều, bèn hỏi:
- À quên, cô về với ai?
- Em về một mình.
- Tôi xin phép đưa cô về đến nhà.
Thiếu nữ trầm-ngâm suy-nghĩ rồi vui-vẻ nói:
- Thế thì hay lắm, em rất cám ơn hảo-ý của ông.
- Vậy tôi cũng làm Ăng-lê với cô.
Hai người vừa trò truyện, vừa đi lần ra hành-lang ngoài rồi rút êm ra sân, chả bị ai để ý đến cả.
Ngôn lái xe từ đường Cao-Thắng ra Hồng-Thập-Tự, rồi cho chạy về hướng Sài-Gòn. Giây lâu, chàng sực nhớ một điều và thấy mình vô-lý quá:
- À, cô về đâu?
- Em ở gần đất thánh đầu đường Phan-Thanh-Giản. Nhưng ông cho em xuống góc đường Hai Bà Trưng thôi.
Đến góc Hai Bà Trưng và Phan-Thanh-Giản Ngôn ngừng xe lại, không dám nài nỉ thiếu phụ để theo nàng tới nhà.
Gió khuya thổi lạnh ghê người.
- Hay là cô lấy áo này choàng cho ấm, Ngôn vừa đề-nghị, vừa với tay vào xe lấy chiếc áo dạ mà chàng đã cởi ra bỏ đó từ khi ra khỏi dạ-hội.
- Em sẽ mang trả ông ngay ngày mai này. Không có bóp tiền trong này chớ? - Thiếu phụ vừa hỏi vừa cười rất duyên-dáng.
- Không, chỉ có...
Chàng định nói, chỉ có trái tim tôi thôi, nhưng thấy suồng sã quá, nên không dám hết lời.
Hai người chào nhau, chàng đứng nhìn, trong ánh sáng lờ mờ của đèn đường, bóng dáng yêu-kiều của thiếu phụ mất lần trong đêm tối.
Sáng ngày vừa tỉnh giấc là Ngôn bật cười lên và tự bảo thầm:
- A, người ta hứa trả, nhưng người ta biết nhà mình đâu để trả chớ?
Ngôn ăn sáng rất vội-vàng, để ra đi. Chàng đi Đất-Hộ không phải để đòi áo, nhưng để dò hỏi tung-tích một người mà không thể đợi chậm rãi để biết nữa.
Đêm rồi, Ngôn đã nằm chiêm bao? Điều này đủ tỏ chàng đã yêu, và đang nóng lòng gặp lại người đêm trước.
Ngôn có ba người bạn ở xóm đó, hai người ở đường Vial và một người ở đường Albert 1er. Tuy cả ba đều không phải "thổ công" Sài-Gòn, chớ họ cũng biết rõ người trong xóm vì họ ở đây ngay từ trước chiến tranh.
Nhưng cả ba đều ngơ ngác trước câu hỏi của Ngôn. Chàng không thất vọng, và kể từ hôm đó chàng giống tên bợm rình ai ở xóm đất Thánh Tày. Mà lạ quá, luôn bảy hôm liền, từ sáng đến chiều đứng đường, đứng sá mà Ngôn không hề thấy bóng dáng giai-nhân đâu cả. Con người khép cửa phòng, thu mình đến bực nào, cũng phải có một dịp ra khỏi nhà trong một tuần chớ.
Ngày thứ tám, Ngôn dừng xe sát đường đất thánh. Chàng bước xuống lề cỏ ở chơn tường thì gặp ngay một anh phu đang giẫy cỏ. Một ý nghĩ thoáng qua, Ngôn do-dự vài giây, rồi hỏi:
- Anh ở gần đây chớ?
- Tôi ở trong kia. - Vừa nói y vừa chỉ tay vào nghĩa địa.
- Ở trong đó? - Ngôn ngạc nhiên hỏi.
- Dạ tôi làm cu li trong ấy, tôi ở nhà bếp ông xếp gác đất thánh.
- A, vậy là anh ở xóm này. Từ bao lâu rồi?
- Từ hai mươi năm nay.
- Anh có biết cô Tường-Vân chăng?
Hỏi xong Ngôn thấy mình thật vô lý. Anh phu này, dầu ở đây một trăm năm, cũng chỉ biết có nghĩa địa, mả mồ thôi.
Anh phu ngơ-ngác nhìn Ngôn rồi ngỡ chàng phá chơi mình, cúi xuống giẫy cỏ tiếp.
Ngôn thơ-thẩn đi trên các ngõ đường vắng và hẹp quanh đó rồi lại về. Nhưng qua ngày mai, chàng vừa bước xuống xe là anh phu bữa trước chạy lại chào và nói:
- Thầy hỏi tôi cô Tường-Vân hả?
- Phải.
- Tôi biết cô ấy ở...
Ngôn mừng đến muốn ngộp thở.
- Ở đâu?
- Ở trong nghĩa địa.
- Sao lạ vậy?
- Tôi thấy có một ngôi mộ để là cô Tường-Vân chết hồi 25 tuổi, và đã chết 3 năm rồi, hay là người đó chăng?
Vẻ thất vọng hiện rõ trên mặt chàng, chàng lẩm bẩm: "Ta lại gặp một thằng cha điên đây", rồi quay đi. Nhưng đi được vài bước, nghi hoặc điều gì, chàng trở lại hỏi:
- Tôi có thể vào nghĩa địa chăng? Anh sẵn lòng giúp tôi xem mộ ấy chớ?
- Muốn vào, phải xin phép ông xếp tôi. Lâu lắc lắm! Nhưng tôi có thể nói giúp để thầy được vào liền.
- Tốt, đây thưởng trước anh hai chục đồng uống nước.
- Cám ơn thầy!
Hai người đi song-song nhau ra phía ngõ P.T.G., anh phu căn dặn:
- Thầy nhớ nói là anh họ của cô Lê-Thị-Tường-Vân mới được, vì...
Tôi hiểu rồi.
Qua nhiều con đường sạn, khi đến một chỗ quanh kia, anh phu dừng lại mà rằng:
- Đây rồi, ủa mà sao...
Ngôn nhìn theo ngón tay anh này rồi cũng đứng sững đó mà ngạc nhiên như anh ta. Người phu ngạc nhiên vì chiếc áo dạ ai lại phủ lên tấm mộ bia. Ngôn kinh-hoảng vì chiếc áo dạ chính là của chàng cho cô Tường-Vân mượn, lại nằm đó.
Qua phút ngạc nhiên, chàng bước sấn tới, dỡ áo lên, thì dưới ấy bày ra một tấm bia bằng cẩm thạch, trên khắc những hàng chữ mà nét mạ vàng còn mới ràng ràng:
Nơi đây yên nghỉ
Con yêu dấu.
LÊ-THỊ-TƯỜNG-VÂN
Hưởng dương 25 tuổi
Sài-Gòn ngày... 1950
Ngôn lảo-đảo như say rượu, ngồi phệt xuống đường trải sạn, ôm đầu mà suy nghĩ.
Có thể nào như thế được chăng? Chàng không bao giờ tin có ma. Cái tên này có thể chỉ là một sự trùng hợp thôi. Nhưng chiếc áo? Chiếc áo của chàng, sao lại ở đây? Chàng ngẩng lên với lấy chiếc áo. Mùi hương còn thoang thoảng, mùi hương mà chàng đã ngửi thấy vào đêm dạ hội kia.
Chiếc áo là áo của chàng, không còn ngờ gì nữa cả: cái hiệu tiệm may, cả cái nút tay bên phải mẻ một mảnh, đó là những chi tiết không thể lẫn lộn được với áo nào cả.
Ngôn nhìn lại lần chót nơi yên nghỉ cuối cùng năm đó của người mới quen tháng này, và thất-thểu mang áo ra về.
Bấy giờ và những ngày sau đó, chàng mới nhớ lại thái-độ kỳ dị của Tường-Vân. Phải, nàng là ma nên tránh người lớn, sợ gặp người quen biết và sợ bị hỏi lôi-thôi. Nàng là ma, nên mới rút về êm, không dám chào ai hết. Nàng là ma, nên không cho chàng đưa tận nhà.
Người ta nói bịnh tương tư chỉ có trong tiểu-thuyết và không ai ốm vì tình cả. Nhưng Ngôn đã tương-tư, đã ốm. Ngay chiều hôm đó chàng bỏ ăn. Chàng không mắc bịnh gì cả, nhưng người cứ dã-dượi, bần-thần, lòng chàng chua xót một tiếc thương kỳ lạ, quặn đau vì đã mất cái người mà chàng mới quen thì đã yêu đắm-đuối rồi.
Người nhà không biết gì cả, nhưng bạn hữu chàng đã rõ ngọn nguồn. Có lẽ cả thành phố đều biết tin này, và đó là chuyện thời sự nóng-hổi.
Hôm ấy Ngôn mệt ngất đi mấy lần thì thằng nhỏ đem vào buồng chàng một bức thơ mà anh phát thơ vừa liệng trước cửa.
Thấy tuồng chữ lạ, chàng cầm phong bì mà nhìn, chợt thấy trên đầu bì câu sau đây:
Người gởi: Tường-Vân
Chàng tái mặt đi. Ô! Thật lạ. Tường-Vân là người, rồi lại là ma. Nhưng con ma ấy bây giờ lại gởi thơ.
Tay run lẩy-bẩy, chàng xé bao thơ ra xem:
Ông Ngôn,
Em là người đây. Nói mau để ông bớt sốt ruột, cũng như em đã đề tên ngoài phong bì cho ông nhớ mà xem thơ. Vâng, em là người. Nhưng là một người bỏ đi rồi. Em thấy mình không xứng đáng với tấm tình tốt đẹp của ông, nên buộc lòng phải đoạt luôn áo để khỏi gặp ông nữa. Song thấy ông tìm mãi (em ở gần lối đó và đã chứng kiến cuộc nói chuyện giữa ông và anh phu nghĩa địa) em mới bày trò ma quái, để cho ông quên em đi, vì em đã chết rồi kia mà.
Tường-Vân chỉ là người bạn xấu số của em thôi. Nhưng ông đã chẳng quên em mà lại bày trò ốm tương-tư, thật khổ quá! Em lại phải viết thơ này thú thật để khuyên ông trở về lẽ phải cho vậy. Kính chào Ông.
Tay Ngôn run dữ. Chàng run vì mừng, tim chàng đập liên hồi trong lồng ngực. A, vậy ra nàng không phải là ma à? Được. Trốn đường trời cũng không khỏi ta.
(Phỏng theo tin vặt ở báo Pháp do ông Ngô-Công-Minh kể cho nghe. Truyện này viết đã lâu, nên tên đường cũ có khác bây giờ).
Phần 1, Còn tiếp
(Trích Tân liêu trai, Nhà xuất bản Trẻ)