Sách Tân liêu trai do Phong Ngạn (bút danh khác là Bình Nguyên Lộc) viết, xuất bản lần đầu năm 1959, Nhà xuất bản Trẻ tái bản quý I năm nay. Tác giả mượn những câu chuyện màu sắc liêu trai để nói chuyện con người. VnExpress trích đăng một số truyện ngắn trong sách.
Năm ấy (cách đây 35 năm) dân làng T.U. và vài làng kế cận, chết không kịp chôn. Ôn dịch hoành-hành trong vùng từ tháng ba đến cuối tháng tư.
Ban đầu, những người chết sau rốt trong một gia-đình còn được xóm giềng thương xót, bó cho một manh chiếu rách và mướn người vùi nong một nấm.
Thét rồi dân làng trở nên thưa thớt, không buồn để ý đến những thây ma vô chủ ấy nữa. Mấy người sống sót cứ bị ám-ảnh vì cái số-phận của mình, nay mai gì cũng nằm co như vậy thì còn ai mà lo chôn cất người dưng.
Chỉ có mấy anh chuyên việc chôn người là phát tài. Đó là những người trước kia không biết một nghề gì nhứt định, rất nghèo khổ và cũng không thiết sống làm gì.
Vì không thiết sống nên không ngại bị truyền lây, lãnh vác tất cả xác chết dịch nhà nghèo ra cánh đồng xa. Vài đồng bạc, vài ly rượu đế, thế là xong một cuộc tống-táng, tuy không ấm cúng, nhưng nó cũng giúp được người nhà cái khổ đụng chạm thây truyền-nhiễm.
Chiều hôm ấy, anh Bò lãnh vác cái xác thứ mười bảy ra đồng. Trọn ngày ấy, từ sớm đến chiều, anh ta đã vác ba thây bó chiếu rồi. Và bao tử anh đã biến thành bình chứa rượu rừng.
Anh không say lắm, nhưng giác-quan cũng đã suy nhiều. Thần trí anh mờ-mờ ám-ám, không phân-biệt rõ-rệt mọi việc được nữa.
Bước đi dưới sức nặng của xác chết còn dịu nhĩu trong chiếc chiếu tơi, anh nghe đất mềm như bùn, còn giò anh thì nhẹ hều và dường như không dính vào thân mình anh nữa.
Tới đầu làng, anh mệt nhoài, nên quăng đại thây ma xuống lề cỏ, rồi nằm vùi xuống đó. Anh nằm như vậy không biết bao lâu. Đến chừng tỉnh dậy thì sao trên trời đã mọc dày đặc.
Tư bề vắng-lặng một cách ghê hồn, và xa xa tiếng chó sủa ma vang dậy, tiếng chó đói của những nhà chết rụi, tru dài một cách tuyệt-vọng.
Chợt nhớ lại công việc bỏ dở của mình, anh dòm xuống đất. Một đống đen vẫn nằm đó. Anh cúi xuống, nâng xác lên vai, và đi một mạch ra bãi tha-ma.
Đến nơi, chừng như tỉnh hẳn rượu, anh mới hay rằng chiếc chiếu bó thây ma đã đâu mất, và cái cuốc để xen trong ấy tất nhiên là không còn. Anh chửi thề thằng nào đã dỡ chiếc chiếu ra để ăn cắp cái cuốc của anh, và đinh-ninh đó là một vố của thằng Đẹn, đồng nghiệp với anh.
Mặc dầu mất cuốc, tội gì trở về làng kiếm cái khác cho nhọc xác chớ. Anh ta tìm một chỗ đất thật trũng, đặt thây ma xuống rồi cào đất ở những nấm mồ mới, thiếu gì, mà lấp lên đó.
Anh ta mới bỏ lên thây ma được vài bụm đất thì bỗng nghe những tiếng rôm-rốp của lá khô cựa mình dưới lỗ trũng. Hơn nữa, những tiếng ấy to quá làm anh đặc-biệt chú ý. Lá khô tự cựa mình dưới gió nhẹ không kêu lớn như vậy đâu.
Anh nhìn kỹ lại trong ánh mờ của sao khuya, thì thấy chính cái thây ma cựa mình. Ngỡ là mình còn say rượu, anh ta bỏ đó, đi lấy bụm đất mà quăng xuống lỗ nữa.
Đất hòn rời khỏi tay thì anh ta nghe la một tiếng "Oái!". Thân thể rụng rời, chơn dính đất như bị trời trồng, anh đứng trân ra đó, hồn vía thì bay đâu mất.
Bỗng cái thây ma hươi tay, rồi vụt ngồi dậy. Bấy giờ, anh ta thu hồn, thu vía lại, và xoay lưng chạy bay trên cánh đồng.
Theo bản năng của những người sợ hãi một vật gì, anh ngoái cổ lại mà xem coi ra sao, thì ghê gớm chưa, cái xác đã đứng dậy và đuổi theo anh ta.
Toàn thân anh, anh nghe lạnh buốt, nhứt là phía sau lưng, anh chạy càng nhanh thì cái xác đuổi theo càng cấp tốc. Anh đã đạp nhiều gai, mà không nghe đau, đã phóng qua nhiều mô đất một cái một, nhẹ như con thỏ bị chó săn đuổi.
Con đường về làng sao chuyến này lại dài quá, anh đã chạy bén chết mà cứ thấy làng còn xa.
Ngoài sau anh, tiếng chơn nện đất nghe thùi-thụi của thây người cứ vang lên. Tim anh, anh nghe như muốn phá lồng ngực mà nhảy ra ngoài, và hai bên màng tang, anh nghe nóng như lửa đốt.
Bỗng anh vấp phải một vật gì, té bổ lên đó, xem lại thì đó là một thây ma. Thây ma dưới mình và thây ma đuổi tới. Bấy giờ anh sợ quá, cho đến ngất đi.
Cái thây ma đuổi theo tới đó rồi ngừng lại. Thật ra nó chỉ chạy chớ không đuổi ai hết.
Nguyên đó là thằng ăn mày bị bịnh, nằm mê nơi đầu làng. Ban chiều, anh Bò say rượu đặt thây ma gần đó mà ngủ. Chừng anh ta thức dậy, còn nửa tỉnh nửa say, anh ta trông gà hóa cuốc, vác lộn tên ăn mày, còn cái xác thật thì anh không trông thấy.
Dưới lỗ thủng, tên ăn mày tỉnh cơn mê, và ngỡ là mình chết giả, bị người ta chôn lầm nên hoảng hốt đứng lên mà chạy.
Tên ăn mày chạy tới đó, thì cũng đuối sức quá rồi. Hắn không hiểu hai cái xác trước mặt đó là của ai, và cũng không còn sức nữa để mà đi tránh ra, nên nằm đó mà chịu. Đêm khuya, cơn bịnh làm dữ, hắn chết luôn.
Sáng ra anh Đẹn đi chôn người, qua đó, nhìn cảnh tượng này, anh ngơ-ngác không hiểu sao anh Bò lại nằm nơi đây, và tại sao ba cái xác lại nằm chung một chỗ.
(Trích Tân liêu trai, Nhà xuất bản Trẻ)