Ngày 14/9, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết sắt tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch Lympho T - giúp chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Vì vậy, khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm.
Kẽm cũng đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch vì kẽm vừa là thành phần, vừa là xúc tác, tăng cường sản xuất các yếu tố miễn dịch (miễn dịch tế bào, miễn dịch thích ứng), từ đó tạo một hệ thống phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
"Nếu bị thiếu kẽm, sắt trẻ sẽ suy dinh dưỡng, thấp còi và tăng khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh do virus", bác sĩ Thúy nói, thêm rằng trẻ mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, thiếu tập trung, dễ cáu gắt. Nặng hơn, trẻ bị rối loạn giấc ngủ, kém hấp thu, chậm cao lớn, dễ mắc bệnh về da.
Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy tỷ lệ trẻ thiếu kẽm ở mức trầm trọng, cứ 3 em có một thiếu sắt. Đặc biệt thiếu kẽm thường đi đôi thiếu sắt và ngược lại. Trong khi kẽm, sắt, vitamin A đã được chứng minh là có vai trò quan trọng trong việc cải thiện miễn dịch.
Vì vậy, để bổ sung sắt, kẽm, bác sĩ Thúy khuyến cáo cha mẹ nên cho con ăn các thực phẩm như thịt bò, trứng, hàu, sò, ghẹ và một số loại rau lá xanh. Ban đầu, gia đình nên cho trẻ tập ăn với lượng nhỏ, sau đó tăng dần lượng thực phẩm.
Tỷ lệ hấp thu sắt và kẽm từ thức ăn khá thấp. Trong chế độ ăn hằng ngày, cơ thể chỉ hấp thu được 5-15% lượng sắt và 10-30% kẽm của thực phẩm. Vì vậy, sau 6 tháng, tỷ lệ thiếu kẽm và sắt ở trẻ tăng cao, thường thiếu cùng nhau. Do đó, có khoảng trống sắt kẽm ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Cha mẹ cũng cần chủ động bổ sung dự phòng cho con, tránh thiếu hụt sắt kẽm kéo dài ảnh hưởng đến tốc độ phát triển.
"Bổ sung vi chất dinh dưỡng với đầy đủ kẽm sắt là một yếu tố then chốt trong giải pháp nhân đôi đề kháng cho bé, song song các biện pháp hỗ trợ từ bên ngoài như tăng cường vui chơi vận động, môi trường sống sạch sẽ", bà Thúy cho hay.
Mọi người nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lựa được các sản phẩm có hàm lượng sắt và kẽm đủ nhu cầu hàng ngày, song không làm dư thừa. Ví dụ, có thể chọn sản phẩm chứa đủ kẽm và sắt theo với tỷ kệ 1:1.
Từ những năm 80, Việt Nam đã triển khai chương trình phòng chống thiếu máu, thiếu sắt do Viện Dinh dưỡng Quốc gia chủ trì. Nhờ đó, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em giảm, song vẫn ở mức cao. Hiện vẫn chưa có chương trình nào về phòng chống thiếu kẽm.
Vì vậy, theo bác sĩ Thúy, cần tăng cường truyền thông về việc bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt và kẽm bởi hai vi chất này đóng vai trò quan trọng với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
Lê Nga