Bên trong trại tị nạn Harjala do chính phủ Syria xây dựng dành cho dân thường chạy nạn, hàng đoàn người đang đứng xếp hàng chờ phân phát đồ ăn. Họ đội những chiếc nồi sắt trên đầu vừa để tránh nắng vừa như đã thành thói quen do sợ "đạn lạc", CNN đưa tin.
"Cháu trước kia chỉ ăn có một bữa mỗi ngày", cậu bé Mohammed Abed 13 tuổi nhớ lại thời gian sống tại thị trấn bị phiến quân chiếm giữ ở khu Đông Ghouta bên ngoài thủ đô Damascus, Syria. Đứng gần đó, Abdullah Jamal, 14 tuổi, thốt lên: "Ôi thích thế! Tớ còn ba ngày mới ăn một bữa". Trong lúc đứng xếp hàng đợi đồ ăn, thường là khoai tây luộc chín, hai cậu bé vui vẻ ganh đua kể xem trước khi chạy khỏi Đông Ghouta, ai khổ hơn ai.
Trong vài tuần gần đây, trại tị nạn Harjala đã tiếp nhận thêm khoảng 21.000 dân thường đến từ Đông Ghouta. Khi được hỏi làm sao để sinh tồn trong những tháng ngày quân đội Syria mở lại chiến dịch tấn công lực lượng phiến quân, đa số dân chạy nạn trả lời: "Lúa mạch".
Bên trong trại Harjala, những chồng bánh mì cũ khô khốc dưới ánh nắng gắt, không còn có thể ăn được nữa nhưng người dân không dám vứt đi vì họ biết cảm giác bị đói khát giày vò là như thế nào. Lũ trẻ nhao lên nóc nhà vui đùa sau hàng tháng trời chui rúc dưới tầng hầm tối tăm để tránh các cuộc không kích. Bọn trẻ cố leo lên điểm cao nhất có thể.
Đây là cuộc sống hiện tại của một số người may mắn trốn thoát khỏi vùng ngoại ô thủ đô Damascus, nơi có dân số gần 400.000 người bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng phiến quân suốt từ tháng 2. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 130.000 người đã rời bỏ Đông Ghouta trong một tháng qua. Hơn 60% trong số này đổ về các khu trú tạm tại vùng thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Syria.
Hơn 1.000 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Syria với sự hậu thuẫn của Nga mở lại các cuộc tấn công lực lượng phiến quân ở Đông Ghouta vào 18/2. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc miêu tả nơi đây là "địa ngục trần gian".
Theo những người may mắn thoát khỏi vùng chiến sự, cả quân đội Syria và phiến quân đều có lỗi. "Cuộc sống 6 năm qua ở Đông Ghouta thực sự như một bộ phim kinh hoàng", ông Ahmad Shamas, 42 tuổi, nói. Người dân cho biết phiến quân tịch thu lương thực và bất cứ ai chống lại sẽ bị cắt chân hoặc tay để trừng phạt. Một vài người thậm chí buộc phải gia nhập hàng ngũ phiến quân để gia đình có miếng ăn.
Chính phủ Syria và đồng minh Moscow cáo buộc phiến quân ngăn người dân chạy khỏi Đông Ghouta. Trong khi đó, các nhà hoạt động và quân nổi dậy phủ nhận và tố cáo chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad vi phạm lệnh ngừng bắn của Liên Hợp Quốc.
Chỉ có tiếng nói của dân thường mắc kẹt giữa hai làn đạn là yếu ớt. "Điều cháu sợ hãi nhất là những đợt không kích", cậu bé 10 tuổi Mohammed Mezze nói.
An Hồng