Phó giáo sư, tiến sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết củ dền là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ, vitamin C và B9, mangan, kali, sắt. 100 g củ dền tươi cung cấp 43 kcal, 1,6 g protein, 2,8 g chất xơ, 250 mg nitrat vô cơ.
Đông y ghi nhận củ dền có tác dụng giảm huyết áp, tăng cường lưu thông máu, thành phần nitrat vô cơ phong phú giúp tăng khả năng hoạt động thể lực. Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều và trong thời gian lâu dài, nitrat tích tụ, các vi khuẩn trong đường ruột sẽ chuyển hóa nitrat thành nitrit, gây ngộ độc.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố TP HCM, giải thích nitrit là chất oxit hóa mạnh, nó hấp thu vào máu và biến đổi hemoglobin (hồng cầu tố - có chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các mô) thành methemoglobin, không thể vận chuyển oxy, dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy trong máu, gây ra một loạt chuyển hóa bất thường.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi độ pH dạ dày thấp, hệ thống khử methemoglobin chuyển trở lại thành hemoglobin trong cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, nhất là trẻ sinh non. Nếu hấp thụ quá nhiều khiến hệ thống quá tải, không khử được methemoglobin như người lớn dẫn đến ngộ độc.
Biểu hiện ngộ độc là tím tái, ngột ngạt, khó thở, suy hô hấp, nhịp tim nhanh, nhức đầu, máu có màu chocolate. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ thiếu oxy não gây co giật, bứt rứt, hôn mê, thiếu oxy tim gây ngưng tim, ngưng tuần hoàn, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Liều gây chết trung bình của nitrit là 100-200g/kg trọng lượng, tương đương với liều của chất cực độc cyanide. Đến nay các ca nhập viện do ngộ độc nitrit chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn, nếu không có hoặc không đủ sữa mẹ, chỉ dùng sữa công thức. Phải dùng nước thông thường pha sữa công thức, không pha sữa bằng các loại nước rau, nước trái cây... nhất là nước củ dền.
Trẻ trên 6 tháng tuổi và người lớn hầu như không gặp tình huống methemoglobin liên quan đến nitrat trong các loại rau củ do các hệ thống chuyển hóa trong cơ thể đã hoạt động tốt hơn. Với mức độ ăn rau củ thông thường, dù ăn các loại rau củ giàu nitrat cũng không cần lo lắng vấn đề methemoglobin máu.
Trường hợp bệnh nhi ở Long An ngộ độc do nồng độ methemoglobin hơn 30% chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân. Bác sĩ chỉ mới xác định được trong thai kỳ và sau sinh người mẹ đã ăn củ dền nhiều tháng, chứ chưa tìm hiểu được mẹ có cho bé ăn uống nước củ dền hay không.
Y văn chưa có chứng cứ độc tố có thể truyền từ dây rốn hay sữa từ mẹ sang con. Tuy nhiên yếu tố mẹ ăn củ dền trường kỳ là mấu chốt để bác sĩ thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán và giải độc.
Thùy An - Thư Anh