Trả lời:
Giấc ngủ bảo đảm sự phục hồi chức năng của não trong trạng thái thức tỉnh. Nhu cầu ngủ của người bình thường là 6-7 giờ mỗi đêm. Có nhiều kiểu rối loạn giấc ngủ, việc phân loại chưa hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên, người ta thấy rằng người mất ngủ chiếm một tỷ lệ rất lớn, có đến 30-40% số người lớn than phiền mất ngủ. Triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột sau một yếu tố tâm lý, xã hội hoặc stress nào đó; kéo dài vài tháng hoặc hàng năm cho đến khi các nguyên nhân đã được giải quyết. Bệnh nhân thường là người trẻ hoặc trung niên, ít gặp ở trẻ em hoặc vị thành niên. Mất ngủ có thể là do rối loạn giấc ngủ đơn thuần, có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác: suy nhược thần kinh, trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn...
Có khoảng 10% trẻ em dưới 5 tuổi có vấn đề về giấc ngủ. Trẻ có thể có các vấn đề như: khó vào giấc ngủ, ác mộng, hoảng sợ ban đêm, đi trong giấc ngủ, ngủ quá ít do vấn đề môi trường và gia đình của trẻ.
Các yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ trẻ: người mẹ bị trầm cảm, bố mẹ có xung đột hay bất hòa, mất tính tổ chức nề nếp sinh hoạt hằng ngày; các yếu tố dễ gây tổn thương về mặt sinh học thời kỳ trước sinh, hiện tượng khó đẻ... Để giúp trẻ ngủ tốt, cần giải quyết các vấn đề như trầm cảm của người mẹ, giờ giấc đi ngủ; sử dụng các biện pháp điều chỉnh hành vi như không đáp ứng sự khóc lóc, đòi hỏi của trẻ...
Chị cần tìm hiểu những vấn đề đã nêu ở trên xem có gì liên quan với cháu không? Ngoài ra, có thể đưa con đi ghi điện não kiểm tra, khám thần kinh, tâm thần. Chưa thể kết luận con chị mất ngủ là do di truyền. Về điều trị, nên sử dụng các thuốc an thần, nhiều khi sử dụng thuốc chống trầm cảm kết hợp. Việc sử dụng thuốc phải có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.
(Sức Khỏe & Đời Sống)