Người Indonesia hiện cao trung bình 158 cm, Philippines 161,9 cm, Bolivia 160 cm, theo thống kê đăng trên tạp chí Dân số Thế giới năm 2019.
Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng người Việt đang tăng trưởng chiều cao nhanh hơn trước, song vẫn thấp hơn nhiều so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi ở đa số nước châu Á như Nhật Bản...
Năm 1975, chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam là 160 cm ở nam và 150 cm ở nữ. Từ năm 1975-2000, chiều cao người Việt tăng trung bình 1,1 cm mỗi thập kỷ. Năm 2000-2016, nam giới cao thêm 2,1 cm, nữ tăng 1 cm.
Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm. Năm 2030 chiều cao người Việt dự kiến tăng thêm 4 cm so với năm 2009.
Theo ông Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc bao gồm giới tính, gene, dinh dưỡng, vận động và môi trường.
Một nghiên cứu về gene trên 700.000 người, có 83 gene ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao, trong đó một số gene có thể ảnh hưởng đến 2 cm chiều cao. Ví dụ, người bố cao 170 cm, mẹ cao 160 cm thì về nguyên tắc, chiều cao con trai của họ khi trưởng thành sẽ đạt 171-176 cm, con gái cao 158,5 đến 164 cm. Tuy nhiên, chiều cao có thể xê dịch phụ thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng như dinh dưỡng, tập luyện...
Về dinh dưỡng, có 5 yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến tầm vóc bao gồm khoáng chất, canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D, K2, hormone, đạm/colagen. Vận động cũng giúp tăng trưởng tầm vóc bởi sẽ tăng chất khoáng trong xương và tăng mật độ xương. Trẻ tập luyện thể thao sẽ tăng tiết hormone GH, phát triển hệ cơ xương và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Tuy nhiên, thời gian vận động và nghỉ ngơi nên xen kẽ nhau, không nên vận động quá nhiều, cũng không nên nghỉ ngơi quá nhiều. Hạn chế thời gian ngồi một chỗ dưới 2 tiếng một ngày.
Với các hoạt động tĩnh, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ đọc sách hoặc cắt dán giấy, làm đồ thủ công thay vì xem TV, nghịch máy tính.Các hoạt động phù hợp với trẻ: đi bộ, đạp xe, chạy nhảy, bơi lội, ném bóng...
Thời gian nghỉ ngơi tốt nhất nên là trước khi ngủ trưa và tối. Ngoài ra, yếu tố bệnh tật của ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao như bệnh truyền nhiễm, nhiễm giun sán, bệnh đường hô hấp mạn tính...Ngoài ra, giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến chiều cao. Khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone GH nhiều gấp 4 lần khi thức. Lượng hormone sẽ đạt đỉnh thường là từ 22 giờ cho tới một giờ. Vì vậy nên cho trẻ cho đi ngủ sớm từ 9h-9h30.
Bên cạnh đó, người Việt có thể học cách người Nhật phát triển chiều cao nhờ can thiệp sớm từ chăm sóc phụ nữ mang thai, từ một đứa trẻ được sinh ra đến lúc trưởng thành. Thông thường, chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành. Do đó, người Việt cần đầu tư can thiệp, chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi.
Bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng, cho rằng giai đoạn trong bụng mẹ là quan trọng nhất để trẻ phát triển chiều cao. Trong 9 tháng mang thai, người mẹ tăng khoảng 10-12 kg giúp bé đạt chiều cao 50 cm và cân nặng khoảng 3 kg lúc chào đời. Trẻ được chăm sóc tốt về dinh dưỡng và sức khỏe sẽ giảm bệnh tật, sinh non và chiều cao của bé sẽ đạt chuẩn.
Hai giai đoạn còn lại tác động tới chiều cao của con người là 5 năm đầu đời và giai đoạn tiền dậy thì, trước khi các cháu có biểu hiện sinh lý. Đặc biệt, nếu trong 2 năm đầu đời không chú trọng cải thiện chiều cao, trẻ lớn lên sẽ bị hao hụt khoảng 5-15 cm.
Số liệu đo chiều cao của người trưởng thành hiện tại là của trẻ được sinh ra từ những năm 80. Trong khi đó, năm 1998, Bộ Y tế mới có chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Những người trưởng thành được khảo sát chiều cao ở thời gian đó chưa được thừa hưởng kết quả của chương trình này nên chiều cao tăng chậm. Cứ mỗi 10 năm Việt Nam mới có một cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng, gần nhất là năm 2009.
Trong năm 2019 - 2020, Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ có cuộc tổng điều tra mới. Khi đó, những đứa trẻ sinh ra từ năm 1999, được hưởng kết quả của chương trình của Bộ Y tế và rất nhiều các can thiệp dinh dưỡng khác, sẽ được khảo sát.
"Tôi tin chắc sau tổng điều tra mới, số liệu về chiều cao người Việt sẽ tăng đột biến. Trẻ được cân đo lại, khám dinh dưỡng, gia đình có điều kiện giúp con tăng trưởng tầm vóc... Nhờ đó, chiều cao người Việt hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng ở các thế hệ sau", ông Sơn chia sẻ.
Thùy An - Lê Nga