Ngày càng nhiều bố mẹ châu Âu cho con ăn chay từ bé nhằm mục đích nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chế độ dinh dưỡng này không phù hợp với trẻ em.
"Hiện có khoảng 3% trẻ em Bỉ duy trì thói quen ăn chay, tức là loại bỏ các sản phẩm từ trứng, sữa, thịt có nguồn gốc động vật. Chế độ ăn uống này về lâu dài sẽ tạo ra một sự thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng cho cơ thể, dẫn đến chậm phát triển", bác sĩ Georgia Casimir từ Bệnh viện Nhi Queen Fabiola, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu về Ăn chay của Viện Hàn lâm Y khoa Hoàng gia Bỉ cho biết. Hành động ép trẻ em hoặc phụ nữ mang thai ăn chay sẽ bị khởi tố tội ngược đãi trẻ em hoặc không giúp đỡ người khi gặp nguy hiểm.
Protein và axit béo là những chất cần thiết cho não bộ phát triển nhưng thường bị thiếu trong chế độ ăn chay. Không chỉ thế, ăn chay còn có thể khiến cơ thể thiếu các dưỡng chất thiết yếu khác như vitamin D, vitamin B12, canxi, các vi lượng và chất dinh dưỡng cần thiết khác cho cơ thể.
Chung quan điểm không để trẻ em ăn chay, bà Isabelle Thiebaut, chủ tịch một tổ chức dinh dưỡng châu Âu nói: "Phải giáo dục các bậc phụ huynh về giảm cân, chậm phát triển, thiếu dinh dưỡng và vấn đề thiếu máu ở trẻ em khi ăn chay. Nếu các phụ huynh vẫn tiếp tục cho con ăn chay, đứa bé sẽ phải thực hiện các bài xét nghiệm và kiểm tra máu thường xuyên để theo dõi sức khỏe sát sao".
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với ý kiến trên. Đại diện Hiệp hội dinh dưỡng Anh cho biết: "Chế độ ăn chay thân thiện với thực vật tạo ra để hỗ trợ cuộc sống lành mạnh cho mọi đối tượng theo từng giai đoạn sống khác nhau". Tại Anh hiện có khoảng 600.000 người ăn chay, chiếm 1,2% dân số năm 2018.
Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ cũng cho rằng "ăn chay theo kế hoạch và chế độ phù hợp vẫn sẽ đủ dinh dưỡng và mang lại sức khỏe tốt, có khả năng phòng ngừa và điều trị một số bệnh tật". Trong một tuyên bố, cơ quan này nhấn mạnh ăn chay giúp giảm nguy cơ bệnh tim, tiểu đường loại 2, ung thư và béo phì.
Đăng Như (Theo CNN)