Ước tính hiện có 10-15% bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới là trẻ em. Tại Việt Nam, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng với độ tuổi ngày càng trẻ hóa, có những trẻ chỉ 9, 10 tuổi cũng đã bị.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), hiện có khoảng 300 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường phải điều trị. Trong đó, có 20 trường hợp là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cũng bước đầu đã phát hiện một vài trường hợp mắc đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ vị thành niên có thừa cân béo phì.
Đa phần trẻ bị đái tháo đường tuýp 1 do tuyến tụy không sản xuất được insulin và không được phát hiện sớm. Khi được chẩn đoán bệnh này, trẻ phải tiêm insulin suốt đời, ngày 2-3 lần để duy trì mức đường huyết ổn định. Bệnh diễn tiến rất nhanh, từ lúc xuất hiện dấu hiệu ban đầu như sụt cân, ăn nhiều đến lúc rơi vào trạng thái nặng lừ đừ, rối loạn tri giác hoặc hôn mê có thể chỉ khoảng 2-3 tuần.
Trong khi, đái tháo đường tuýp 2 thường xảy ra ở các bé thừa cân, béo phì, lười vận động. Sự thay đổi về lối sống dẫn đến thay đổi về dinh dưỡng, thu nhập năng lượng dư thừa và cơ cấu bữa ăn thay đổi với tỷ lệ protein, lipid chiếm ưu thế, rau xanh và khoáng chất ít đi. Chế độ dinh dưỡng mất cân đối cộng với ít hoạt động thể lực là nguyên nhân dẫn đến một loạt các yếu tố bệnh sinh của bệnh đái tháo đường: thừa cân, béo phì; kháng insulin; rối loạn chuyển hóa lipid...
Theo giáo sư Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cha mẹ thực hiện chế độ dinh dưỡng không hợp lý cho trẻ cũng là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ. Việc cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn nhanh hoặc nhồi nhét bắt trẻ ăn thật nhiều không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì mà còn kéo theo nguy cơ mắc đái tháo đường sớm.
Trong khi đó, hậu quả bệnh để lại rất nặng nề, biến chứng tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi... Với trẻ, nếu không được kiểm soát đường tốt sẽ dễ có nguy cơ gặp biến chứng như: mù, tổn thương thận… Việc điều trị đường huyết không đúng cũng sẽ khiến trẻ bị hạ đường huyết, dẫn đến nguy cơ chậm phát triển trí tuệ.
Để phòng bệnh ở trẻ, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ, không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhanh. Trong bữa ăn hằng ngày, cha mẹ cần chú ý đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm (đạm, đường, tinh bột, vitamin và khoáng chất), đa dạng hóa và phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật hợp lý.
Cụ thể, nên tăng cường ăn thực phẩm tươi và các món luộc, ăn nhiều rau, củ, trái cây, đảm bảo ăn ít nhất 400g mỗi người mỗi ngày. Chú ý không ăn thừa muối, không nên ăn quá 5g/người/ngày. Hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi nấu ăn, hạn chế chấm thức ăn vào muối và gia vị chứa nhiều muối. Ngoài ra, cũng cần giảm bớt tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều chất béo, đồ ăn uống ngọt; không sử dụng dầu, mỡ rán lại nhiều lần.
Đồng thời, cha mẹ cần khuyến khích trẻ vận động nhiều bằng thói quen lao động nhẹ nhàng hoặc chơi môn thể thao yêu thích.
Nếu thấy trẻ có biểu hiện thường xuyên khát, đòi uống nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, nhanh đói dù ăn nhiều, sụt cân, người mệt mỏi, thị lực giảm, đau bụng …thì cần cho trẻ đi xét nghiệm kiểm tra lượng đường trong máu và trong nước tiểu, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Với tiểu đường tuýp 2, việc chữa trị thời gian đầu gồm: giảm cân, ăn kiêng và tập thể dục. Với trẻ việc ăn kiêng lại càng khó hơn bao giờ hết. Vì thế, điều quan trọng là cha mẹ cần kiên nhẫn và tuân thủ hướng dẫn điều trị.
Phương Trang