Nhóm nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của ô nhiễm giao thông trên gần 400 trẻ em sống ở các đô thị nước Đức. Họ đã lấy mẫu máu của nhóm trẻ này để xét nghiệm, đồng thời đo mức độ ô nhiễm ở khu vực các em đang sống.
Kết quả ghi nhận: Đối với nhóm trẻ sống ở môi trường ô nhiễm có nồng độ nitrogen dioxide (NO2) và hạt bồ hóng (PM) từ khí thải động cơ disel cao thì nguy cơ kháng insulin tăng từ 17 đến 19%. Còn những đứa trẻ sống cách xa đường khoảng 45 mét thì nguy cơ này cao hơn 7% so với bình thường.
Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học cảnh báo, việc sống gần những con đường tấp nập, hít khói bụi và các chất độc thải ra từ phương tiện giao thông làm tăng nguy cơ kháng hoóc môn insulin đối với trẻ em. Trong khi đó, khi cơ thể giảm lượng hoóc môn insulin, dẫn đến giảm khả năng điều khiển lượng đường trong máu được coi là nguyên nhân gây "tiền tiểu đường", từ đó dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2. Điều này có thể trở thành vấn nạn của xã hội trong 10 năm tới.
Tiến sĩ Joachim Heinrich, người dẫn đầu nhóm khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứ Sức khỏe và Môi trường Đức ở Neuherberg cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét mối quan hệ giữa ô nhiễm khí thải giao thông với tình trạng kháng insulin ở trẻ em. “Mức độ kháng Insulin có xu hướng tăng khi gia tăng tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Kết luận này vẫn đúng sau khi chúng tôi xem xét thêm các yếu tố về: Tình trạng kinh tế xã hội, BMI (chỉ số khối cơ thể, đo lường về chiều cao cân nặng) và ảnh hưởng của thuốc lá".
Kết quả nghiên cứu này đã được đăng trên ấn bản mới nhất của Tạp chí Diabetologia.
Trước đó từng có một nghiên cứu cho thấy tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các hạt bồ hóng trong không khí gây ra bệnh tim, tiểu đường loại 2 và làm giảm tuổi thọ con người. Tuy nhiên lời giải thích đưa ra không mấy thuyết phục.
Phân tích kết quả nghiên cứu lần này, tiến sĩ Joachim giải thích thêm: “Phản ứng ôxy hóa trong cơ thể do tiếp xúc với chất gây ô nhiễm từ không khí có thể đóng một vai trò chủ yếu gây ra tình trạng kháng insulin”. Trong khi, hầu hết các cuộc khảo sát ngắn hạn hay dài hơi đều cho thấy tình trạng gia tăng các hạt bồ hóng và NO2 trong không khí gây ra những dấu hiệu rõ rệt của bệnh tiểu đường, cũng như vấn đề kháng insulin.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của nhóm 400 đứa trẻ trên trong vòng 15 năm nữa. Họ muốn biết tình hình sức khỏe của chúng như thế nào khi lớn lên. Các nhà khoa học sẽ chú ý đặc biệt đến địa bàn sinh sống của các em sau này, từ đó có sự so sánh.
Tiến sĩ Joachim nhấn mạnh, mặc dù nghiên cứu lần này chỉ ra tình trạng không khí ô nhiễm có liên quan đến việc tăng nguy cơ kháng insulin ở trẻ đang độ tuổi đi học nhưng mới chỉ mang nghĩa lâm sàng, mở ra một hướng đi mới mà thôi. Về cơ bản, kết quả của nghiên cứu này phần nào chứng minh quan điểm cho rằng sự phát triển của bệnh tiểu đường ở người lớn có thể bắt nguồn từ lối sống trước đây tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi.
Giải thích về sự tác động của không khí lên trẻ em và người lớn có sự khác nhau, ông cho biết, do cơ chế bảo vệ phổi chống lại khí độc và bụi bẩn trong không khí ở trẻ phát triển chưa đầy đủ. Vì thế khi hít phải cùng một nồng độ khí ô nhiễm, thì lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn.
Phát hiện này cũng là một hồi chuông cảnh báo cho những thành phố lớn trên thế giới, nơi mà lượng khí NO2 vượt quy định cho phép.
"Đây cũng là một lời cảnh báo tới các chính phủ trong việc cải thiện chất lượng môi trường, không khí ở đô thị. Đồng thời phải đảm bảo cho trẻ em ở độ tuổi đi học có những bữa ăn chất lượng tại trường, bổ sung các loại trái cây tươi, rau sạch có chất chống ôxy hóa tốt, giúp ngăn chặn ảnh hưởng xấu từ không khí ô nhiễm", nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
Thi Trân