Thuở nhỏ, khi đọc tác phẩm "Không gia đình" của Hector Malot, tôi đã biết đến "lò" chăn dắt trẻ ăn xin. Cậu bé Remy trong thời gian chờ người đỡ đầu tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn, đã phải sống cùng những đứa trẻ được chăn dắt với chỉ tiêu "định mức " theo khẩu phần ăn.
Giữa thành phố Paris hoa lệ, cậu bé ấy đã chứng kiến cảnh bị đầy đọa của đám trẻ, lê lết chờ đợi lòng trắc ẩn của người qua đường. Thảm cảnh đó xuất hiện trong một tác phẩm văn chương cuối thế kỉ XIX, và nhóm trẻ bất hạnh chịu thiệt thòi là những trẻ không có gia đình.
Nhưng những gì mà dư luận rộ lên trong thời gian gần đây cho thấy, ngay giữa thời kỳ hiện đại, tệ nạn chăn dắt trẻ ăn xin vẫn xuất hiện và được nâng lên một cấp độ cao hơn, tinh vi hơn và tàn nhẫn hơn.
Cách đây mấy năm, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh một cậu bé chừng bảy, tám tuổi đi ăn xin. Một bàn chân cậu bé bị quặt về phía sau và lê lết rất khó nhọc. Bộ dạng ấy của cậu bé và cái bát chìa ra với ánh mắt khẩn cầu khiến khó ai cầm lòng được. Chị chủ quán nơi cậu bé đến xin ăn nói nhỏ với tôi, cậu bé bị người ta bẻ chân thế để dễ xin ăn. Người chăn dắt cậu bé cứ sáng chở một đám trẻ thả xuống quanh đây, sau đó đến chiều lại đến đón về.
>> 'Cho người ăn xin tiền hay thức ăn đều không làm xã hội tốt lên'
Chăn dắt trẻ ăn xin là cách thức kiếm tiền vô cảm, vô lương tâm của những kẻ sẵn sàng đạp lên tất cả để có được những đồng tiền nhơ nhớp. Những gì đang diễn ra cho thấy, đã có hẳn một "quy trình" chặt chẽ, có tổ chức của những kẻ chăn dắt trẻ ăn xin. Nó cũng có thể là nguyên nhân và cũng là hệ luỵ của nạn bắt cóc, nạn bạo hành, nạn xâm hại tình dục...
Chăn dắt trẻ ăn xin thực sự là một vấn đề nhức nhối của cộng đồng, xã hội. Nó làm ảnh hưởng đến những chuẩn mực đạo đức, làm méo mó nhân cách con người, làm xấu đi hình ảnh của những đô thị văn minh, hiện đại. Nhưng trên hết, nạn nhân của tệ nạn này chính là những đứa trẻ bị chiếm đoạt tuổi thơ, bị đày đoạ và tước đi những quyền đương nhiên chúng được hưởng.
Kẻ chăn dắt trẻ ăn xin máu lạnh khi coi những đứa trẻ là công cụ kiếm tiền mà không mảy may xót xa, đôi khi được lý giải vì đó là mối quan hệ "người dưng nước lã". Nhưng nguồn thu từ việc kiếm tiền đơn giản đã khiến ngay cả nhiều kẻ là máu mủ, ruột thịt với những đứa trẻ cũng không bỏ qua cơ hội kiếm tiền bẩn thỉu và tàn nhẫn này. Hiện trạng đó làm tổn thương các bậc làm cha, làm mẹ khi luôn coi con cái là báu vật để nâng niu, yêu chiều. Nó là biểu hiện của sự băng hoại đạo đức gia đình, nơi mà tình mẫu tử được "mặc định": "Hổ dữ không ăn thịt con". Nó đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội để ngăn chặn, dẹp bỏ tệ nạn này.
Đây cũng là vấn nạn mà các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đang đấu tranh để ngăn chặn, phòng, chống. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (20/2/1990). Ngay sau đó, năm 1991, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành với 5 chương, 26 điều. Bộ Luật này liên tục được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 2004) vẫn gồm 5 chương và được bổ sung thành 60 điều. Đến Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều (tăng 46 điều). Cùng với đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách cũng như bộ máy tổ chức nhà nước quản lý các hoạt động liên quan đến trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em.
>> Dẹp nạn chăn dắt trẻ ăn xin không khó
Nhưng thực tế cho thấy, tệ nạn chăn dắt trẻ ăn xin vẫn cứ tồn tại, nhiều nơi còn ngang nhiên hoạt động. Nguyên nhân có lẽ không chỉ đơn thuần là mưu cầu về quyền lợi của những kẻ tổ chức đường dây chăn dắt trẻ ăn xin. Sự thiếu sâu sát của chính quyền cơ sở nơi xuất hiện tình trạng này, sự thờ ơ của chính cộng đồng xung quanh những gia đình có trẻ ăn xin, cơ chế phối hợp thiếu chặt chẽ của chính quyền tại các địa bàn diễn ra tệ nạn này là một trong số những nguyên nhân cần phải nói đến.
Năm 2017, liên Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã công bố đường dây nóng 111 (Trước đó là đường dây điện thoại số 18001567) nhằm hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, bóc lột, mua bán. Đây là cách để cả xã hội vào cuộc, hình thành "tấm khiên chắn", góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ cho một môi trường sống bình an của trẻ em. Cần phải có chế tài xử phạt thật nặng đối với những vi phạm liên quan đến quyền trẻ em. Trong đó bao gồm cả mức xử phạt đối với người biết trẻ bị bóc lột mà im lặng, hoặc quay phim, phát tán lên mạng xã hội chỉ để "câu view".
"Loài người có trách nhiệm trao cho trẻ em điều tốt đẹp nhất", đó là tuyên ngôn mà Công ước Quyền trẻ em của Liên hợp quốc đưa ra. Một xã hội tốt đẹp phải là xã hội mà ở đó, trẻ em ít nhất được an toàn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
TS Nguyễn Thị Hường
(Học viện Hành chính Quốc gia)