Là người thường đi qua đoạn đường Mai Chí Thọ- Xa lộ Hà Nội (TP HCM), tôi rất ngại khi đến các ngã tư. Mỗi khi dừng chờ đèn đỏ, có những đứa bé ăn xin đen nhẻm từ trong lề đi ra chìa nón và gật gật đầu tỏ ý muốn xin tiền.
Thời gian đầu, vì không chịu nổi những ánh mắt ngây dại của trẻ thơ, nên tôi bỏ vài tờ bạc lẻ 2.000, 5.000 đồng. Nhưng thật ngạc nhiên, vẻ mặt các em tiu nghỉu tỏ vẻ không hài lòng, có lẽ vì giá trị của tờ bạc quá ít chăng?
Điều đáng nói, lần nào đi ngang đoạn đường ấy, tôi cũng gặp những gương mặt ấy. Có lần tôi thấy vài người dừng lại đưa cho những người ăn xin này vài chai nước, hộp cơm thì họ tỏ vẻ không hài lòng. Tôi chợt nhận ra vấn đề ở đây là họ cần tiền để tiêu chứ không phải là đồ ăn, thức uống để làm dịu đi cơn đói trong bụng. Lòng trắc ẩn của tôi cũng không còn.
Tôi nhận ra các em bé này không nói được tiếng Việt, khả năng cao là các em bị chăn dắt. Nếu còn có người cho tiền, các em sẽ còn bị đày đọa.
Nếu cho người ăn xin 10.000 đồng, tức là họ không làm gì, không tạo ra giá trị vật chất gì cho xã hội cũng có được 10.000 đồng. Nếu 10.000 đồng ấy của ta mua giúp cụ già tờ vé số, mua giúp chị bán hàng rong một chai nước thì ít ra lòng hào hiệp của mình cũng được đặt đúng nơi, đúng chỗ. Nó khẳng định mọi cố gắng lao động lương thiện đều là những giá trị được tri nhận và được đổi chác một cách xứng đáng.
Nếu cho tiền ăn xin thì ngày mai họ lại đi ăn xin, những ngày sau đó cũng vậy. Cái gì làm ra tiền thì sẽ có người làm và có người ép buộc họ làm.
Tôi nhớ đến một lời khuyên khi du lịch vùng cao, đừng cho tiền hay đồ ăn trẻ em dọc đường. Nếu cho hãy đến trường học rồi cho, vì nếu cho dọc đường thì chúng sẽ bỏ học để ra dọc đường xin ăn.
Hôm qua tôi thấy bức ảnh có dòng chữ: "Chúng tôi ăn xin, không ăn cơm, chỉ lấy tiền mà thôi, cảm ơn"- Theo nhiều người chia sẻ, đây là nội dung một tấm biển của những người ăn xin được trưng trên lề đường ở TP HCM. Phía dưới tấm biển là những những phần thức ăn còn dang dở.
Nhiều bình luận nói vui rằng mỗi người cho một hộp cơm, mười người có mười hộp cơm thì ăn làm sao hết, cho tiền để họ có thể mua vật dụng cần thiết thì hợp lý hơn. Tôi thì cho rằng chúng ta cho người ăn xin tiền hay thức ăn đều không làm xã hội này tốt lên.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Phan Vĩnh