Gần đây dư luận băn khoăn nhiều về việc sửa đổi các quy định về xe đưa đón học sinh sau khi có vụ học sinh bị bỏ quên trên xe dẫn đến tử vong. Các biện pháp an toàn cho xe đưa đón học sinh vừa được đưa ra thì gặp phải sự phản đối của các chủ xe, với vấn đề rất thực tiễn là chi phí.
Thật ra, giải pháp cho vấn đề này không cần phải tốn kém như vậy.
Cụ thể vấn đề cần phải được giải quyết là làm sao để học sinh không bị bỏ quên và nếu có bị bỏ quên thì làm sao để các em có thể thoát ra hay kịp thời kêu cứu.
Điều đầu tiên cần làm là phải giới hạn độ tuổi các em học sinh có thể được nhà trường đưa đón. Cụ thể là các em còn học mẫu giáo, mới có 5 tuổi thì không thể tự giúp mình khi có tai nạn, vì thế luật pháp phải quy định độ tuổi của các em có thể đi xe hơi với sự trông coi tỷ lệ ít hơn 1:1.
Nói cách khác, mỗi trẻ em tuổi mẫu giáo phải có một người trông coi khi ở trên xe, và cử một cô giáo và một lái xe đi đón nhiều em là không an toàn.
Ở California (Mỹ), độ tuổi các em học sinh có thể đi xe buýt chuyên dụng tới trường là 8, đó là vì dưới tuổi này các em không thể tuân theo hiệu lệnh hay biết cách kêu cứu khi cần thiết.
Khi bị mắc kẹt trên xe một mình thì điều cần thiết là các em phải có thể tự thoát ra hoặc có thể kêu cứu. Xe có thể được trang bị một nút nhấn báo động ở phía trong, học sinh mắc kẹt bấm vào sẽ gây còi cấp cứu vang lên, thu hút sự chú ý của người xung quanh.
Ngoài ra xe có thể được trang bị một cây búa phá kính, cây búa này cần được để ở một nơi rõ ràng, có sơn màu vàng hoặc đỏ cho dễ thấy, và trọng lượng vừa phải để các em 8 tuổi có thể cầm được. Nếu bị mắc kẹt thì các em có thể nhấn còi báo động đồng thời dùng búa đập cửa, chỉ cần cửa kính vỡ, không khí vào thì sẽ bớt nóng, dễ thở hơn, kéo dài thời gian sống hơn cho các em để được cứu.
Trong xe cần được trang bị nước đóng chai số lượng lớn, để trong một cái thùng đậy nắp nhẹ. Nếu bị mắc kẹt học sinh có thể uống nước để giảm tình trạng khát nước do nóng nực, từ đó kéo dài thời gian sống hơn để chờ được cứu.
Trên xe cũng có thể được trang bị điện thoại để học sinh gọi số cấp cứu, để có người tới cứu các em. Cho dù lực lượng cấp cứu không tới kịp thì họ có thể gọi cho nhà trường, và nhà trường gọi cho tài xế hay liên lạc ai đó gần bến đỗ. Bất kỳ ai cũng có thể đập vỡ cửa kính là cứu được.
Các trang bị này không quá tốn kém, không cần thay đổi cấu trúc xe, và xe có thể được dùng cho các ứng dụng khác. Nếu người lớn bị mắc kẹt thì cũng có thể dùng những thứ này. Nếu xe bị tai nạn và không mở được cửa thì người đi xe có thể dùng búa đập cửa xe mà thoát ra.
Tất nhiên là các em đều cần phải được diễn tập và huấn luyện đầy đủ để thực hiện các bước trên, vì vậy nên các em 8 tuổi trở lên mới được dùng xe đưa đón của nhà trường.
Để giảm bớt tình trạng quên học sinh trên xe, mỗi khi đi đón các em, nhà trường nên có một danh sách, cha mẹ các em khi giao con cho nhà trường thì phải ký tên và ô chữ có tên con mình. Lúc xuống xe thì giáo viên hay người đưa đón phải điểm danh các em, khi các em bước ra thì phải ký tên vào chỗ của mình. Như vậy thì giáo viên mới đảm bảo được đầy đủ số lượng học sinh lên xuống.
Lái xe sau khi học sinh đã được xuống hết thì phải đi từng hàng ghế kiểm tra, bao gồm kiểm tra dưới sàn, rồi mới ký tên vào tờ giấy để nộp cho nhà trường, sau đó mới được đánh xe đi chỗ khác.
Các biện pháp này không quá tốn kém nhưng có thể giảm bớt tình trạng bỏ quên học sinh rất nhiều. Cái quan trọng là phải thực hiện và giáo viên, lái xe và học sinh đều phải được thực tập và học hỏi đầy đủ các quy trình này.
Các quy định về xe buýt có màu vàng là nhằm để các xe khác nhận ra là xe đưa đón học sinh, sẽ ghé vào lề đường và có học sinh chạy ra vào. Điều này không cần thiết khi đã có giáo viên và cha mẹ đưa ra vào. Các thay đổi về máy móc cũng không cần thiết để giảm tình trạng học sinh bị bỏ quên, vốn là vấn đề cấp bách cần phải được giải quyết.
Các biện pháp an toàn trong cuộc sống vốn đã được phát triển đầy đủ ở các nước phát triển, nhưng việc học hỏi rập khuôn là không cần thiết. Thay vào đó, các biện pháp phù hợp với túi tiền và dễ thực hiện thì cần hơn. Quan trọng nhất là quy trình đưa đón học sinh, vốn gần như không được thiết kế cẩn thận, nhiều khi là không có.
Nhiều người thường hay nói rằng "quan trọng là ý thức" mà không hiểu rằng, cái "ý thức" đó là các quy trình được thiết kế bằng các nghiên cứu tâm lý học và người thực hiện công việc phải được giáo dục đầy đủ và tập luyện trước khi thực hiện quy trình.
Nhà trường cần lập ra quy trình đầy đủ về việc đếm sĩ số học sinh. Các giáo viên và tài xế tham gia đưa đón học sinh phải đựơc học hỏi và thực tập các quy trình trứơc khi làm nhiệm vụ, và phải thường xuyên diễn tập để nhớ. Ai làm sai quy trình, như là không có đủ chữ ký của học sinh một lần, thì phải lập tức đưa ra dạy dỗ lại, vi phạm thêm nữa thì phải chuyển đổi công tác khác.
Các quy tắc an toàn được thiết kế theo hai hướng: phòng tránh và cứu chữa khi có tai nạn xảy ra. Phòng tránh là để không quên học sinh, cứu chữa là các trang bị để học sinh kêu cứu, kéo dài thời gian sống.
Các biện pháp đều phải cần yếu tố con người và yếu tố vật chất, và quy trình cùng trang bị nói trên bao gồm cả hai yếu tố này.
Khanh Huỳnh