Trên mỗi video, những streamer (người quay phát sóng trực tiếp) thường uống từ 9 đến 10 chai rượu. Nhiều người duy trì 4 đến 5 buổi phát sóng một tuần để giữ chân khán giả và thu hút lượng người theo dõi mới.
Trào lưu "uống rượu livestream" xuất hiện cách đây vài năm, song các streamer bắt đầu sử dụng quá nhiều rượu, bia, rượu vang và rượu mạnh kể từ đầu năm ngoái. Mỗi video thu hút hàng triệu lượt xem. Giới chức Trung Quốc và phương tiện truyền thông nghiêm túc cảnh báo về ảnh hưởng sức khỏe của nó.
Năm 2019, một người đàn ông họ Chu, 29 tuổi đã chết sau khi thực hiện những buổi phát sóng uống rượu trực tuyến hàng ngày trong vòng ba tháng để kiếm tiền.
"Ngoài rượu, cậu ấy còn uống bia và những thứ khác như dầu ăn, không nghỉ dù chỉ một ngày", người bạn giấu tên cho biết.
Một streamer nổi tiếng khác đến từ Nội Mông, tài khoản là Duoduoqimuge, đã uống hết 5 chai bia 620 ml chỉ trong một lần phát sóng. Nhiều người uống tới 10 chai rượu loại 500 ml. Số khác uống ít rượu hơn với nồng độ cồn cao, chẳng hạn một chai 100 ml, nồng độ cồn hơn 55%. Kết quả, các streamer nôn mửa hoặc bất tỉnh trước ống kính.
Một số người xem đặt câu hỏi liệu họ có thực sự uống rượu mạnh hay không, nhiều streamer đốt đồ uống để chứng minh. Người xem kể từ đó liên tục yêu cầu dưới phần bình luận: "Tôi không tin nếu bạn không châm lửa đốt rượu".
Giới truyền thông cho rằng chính phủ Trung Quốc nên cấm hoàn toàn hành vi uống rượu khi phát sóng trực tuyến.
"Người dùng cạnh tranh tửu lượng để có số lượt xem cao nhất. Cách làm này vi phạm tiêu chuẩn xã hội, họ thực sự đang đổi mạng sống lấy tiền", theo một bài viết trên People's Daily.
Trào lưu bắt đầu phổ biến sau khi cơ quan chức năng cấm hình thức livestream ăn uống vô độ vào cuối 2020 vì không lành mạnh và lãng phí.
Li Yan, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Dongfang thuộc Đại học Y khoa Trung Quốc Bắc Kinh, cho biết việc sử dụng rượu rồi truyền trên mạng xã hội để lại nhiều hậu quả tiềm tàng, nguy hiểm hơn phát sóng ăn uống.
"Tổn hại do ăn uống vô độ chỉ trong ngắn hạn, chẳng hạn tăng kích thước dạ dày. Uống rượu mạnh có hại hơn. Bản thân rượu làm tổn thương cơ thể chúng ta, đặc biệt với những bệnh nhân huyết áp, tiểu đường hoặc có lượng cholesterol trong máu cao", bà nói.
Theo hướng dẫn chế độ ăn của Trung Quốc, một người đàn ông không nên uống quá 25 g cồn mỗi ngày. Phụ nữ chỉ nên uống dưới 15 g.
Các video dạng này cũng khuyến khích hành vi uống rượu vô độ của cộng đồng. Nam giới Trung Quốc vốn gặp nhiều vấn đề với bia rượu. Nghiên cứu trên hơn 500.000 người dân phát hiện 8% nam giới có biểu hiện nghiện rượu, đặc biệt người thu nhập thấp, sống tại vùng nông thôn.
Các chuyên gia cho biết đàn ông thường xuyên uống rượu có sức khỏe kém, mức độ hài lòng trong cuộc sống ít hơn, khó ngủ, có nguy cơ lo lắng và trầm cảm cao.
Uống quá nhiều rượu một lúc dễ gây ngộ độc. Nồng độ cồn 400 mg trên 100 ml máu, người uống bị ức chế hô hấp, hôn mê. 500 mg cồn trong 100 ml máu có thể gây tử vong.
Thục Linh (Theo SCMP)