Thời gian gần đây, trào lưu "chữa lành" đang nở rộ trong giới trẻ. Không chỉ trên các diễn đàn mạng xã hội mà ở công sở, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, tất cả những nơi có sự xuất hiện của giới trẻ đều có thể nghe thấy cụm từ "chữa lành".
Từ khóa "chữa lành" đang được nhiều người quan tâm và trở thành xu hướng trong những năm gần đây, đặc biệt đối với giới trẻ.
Có lẽ chưa bao giờ trào lưu "chữa lành" lại phát triển phổ biến như hiện nay. Bất cứ điều gì khiến tâm hồn con người ta thư thái, an nhiên; những nỗi đau, sự tổn thương được xoa dịu; những cảm xúc suy nghĩ tiêu cực, bất an được vứt bỏ, họ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, yêu đời hơn thì đều được gọi là "chữa lành".
Thế hệ 8X như chúng tôi phải trải qua tuổi thơ nhiều gian khó, chỉ cần được ăn no, mặc ấm là hạnh phúc lắm rồi. Nhu cầu chủ yếu của chúng tôi chỉ là được đảm bảo nhu cầu ăn, mặc, ở.
Đến khi trưởng thành, đa phần chúng tôi đều tự học hành, tự phấn đấu, tự xin việc, tự kiếm tiền lo cho bản thân và gia đình, không phải ăn bám bố mẹ. Khó khăn, va vấp rất nhiều nhưng chẳng mấy người bị trầm cảm hay có nhu cầu chữa lành.
Từ thế hệ 9x trở đi, các em được sinh ra trong điều kiện kinh tế đất nước khá hơn nhiều, nhu cầu ăn, mặc, ở đã được đáp ứng quá tốt, các em được bố mẹ bao bọc kỹ hơn, nhiều em ngoài 30 tuổi, 40 tuổi vẫn chưa từng biết bươn chải kiếm sống là gì, mọi việc đã có bố mẹ lo cho hết từ việc nuôi ăn học, xin việc, mua nhà, mua ôtô, thậm chí nuôi con của các em cũng có bố mẹ hỗ trợ luôn.
Vì thế, chỉ hơi gặp khó khăn một chút trong công việc hay cuộc sống là các em cảm thấy bị tổn thương và có nhu cầu đi chữa lành. Bên cạnh đó, thời đại công nghệ nên chỉ cần một nhấp chuột các em cũng có thể nhìn thấy cuộc sống xa hoa của những bạn bè cùng trang lứa.
Sau đó, tự so sánh cuộc đời mình, điều này khiến các em rơi vào căng thẳng, áp lực dẫn đến có xu hướng được chữa lành. Xu hướng này phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của giới trẻ ngày càng tăng.
Giới trẻ tìm đến "chữa lành" thông qua nhiều hình thức như thiền định, du lịch trải nghiệm, bỏ phố về quê, âm nhạc, phim ảnh, sách, thể thao, trồng hoa, trồng rau, cắm hoa, nấu ăn, làm bánh, múa, hát, khiêu vũ...
Còn tôi, người đã từng trải qua nhiều biến cố và tổn thương sâu sắc hơn chục năm nay nhưng chưa bao giờ cần đi chữa lành như mọi người. Cách mà tôi tự chữa lành, tự vượt qua khó khăn đó là khóc một mình cho chán rồi lại lao vào làm việc, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chăm sóc, nuôi dạy hai con gái cho tốt, tự đi tìm những công việc làm thêm phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình để làm việc kín tuần.
Niềm vui lớn nhất của tôi là hai con gái ngoan ngoãn, học tốt, mỗi ngày một trưởng thành và đạt được những ước mơ của con. Niềm vui nho nhỏ của tôi là mỗi ngày đọc báo thấy có bài viết của mình được đăng ở một trang báo nào đó. Tôi thấy tôi vẫn sống rất tốt, không bao giờ buông thả bản thân, tìm cách hủy hoại bản thân hay sống không có mục đích vì số phận mình lận đận, không may mắn trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống như người khác.
Dù cuộc đời có cả trăm lý do khiến tôi phải khóc thì tôi phải tìm ra cả nghìn lý do để tôi phải cười. Không có chuyện gì có thể làm tôi gục ngã hoàn toàn và cũng không có tổn thương nào khiến tôi phải bỏ con, bỏ gia đình để đi chữa lành.
Tôi không phủ nhận, vai trò của "chữa lành" khi nhiều người tự xoa dịu được vết thương tâm lý, thoát khỏi lo âu, trầm cảm. Tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập ở đây là một bộ phận giới trẻ ngày này có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, có công việc thu nhập ổn, không phải gánh nặng chuyện tiền nong nhưng hay làm quá mọi chuyện, luôn suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực, luôn cảm thấy bản thân bị tổn thương dù là chuyện chẳng đáng gì.
Cũng có không ít trường hợp chạy theo trào lưu, tìm nơi sống ảo, rồi đăng ảnh thở than lên mạng xã hội về cuộc sống không như ý. Đây là một biểu hiện đáng quan ngại của việc thích sống theo xu hướng, tự huyễn hoặc bản thân bị những tổn thương không hề có từ thực tế.
Có thể thấy, giới trẻ dễ bị tác động, lung lay, thậm chí dẫn đến bế tắc, chán chường, mệt mỏi, muốn rút lui khi bản thân không đạt được điều mong muốn.
Trên thực tế, nhiều người đua nhau đi "chữa lành" nhưng chẳng thu lại kết quả gì. Sau những chuyến du lịch sang chảnh về, tinh thần vẫn chán chường, tiêu cực như thế.
Có những người tham gia những khóa học "chữa lành" tốn cả chục triệu đồng nhưng vẫn không cải thiện được tinh thần. Có người học cách thiền theo trào lưu nhưng cũng chẳng khá hơn là bao. Chính vì nhiều người chạy theo trào lưu "chữa lành" nên tạo cơ hội cho nhiều cá nhân trục lợi bằng cách mở các khóa học "chữa lành" dù họ chẳng được đào tạo qua trường lớp nào.
Các chuyên gia tâm lý cần học 5-7 năm, thậm chí cả chục năm mới có thể tư vấn tâm lý cho người khác. Còn những người tự phong cho mình cái mác chuyên gia "chữa lành" thì chẳng có cơ quan nào kiểm tra, công nhận bằng cấp hay trình độ của họ. Thế nhưng, giới trẻ vẫn đua nhau đăng ký học cho bằng bạn bằng bè. Kiểu sống a dua theo số đông, chạy theo phong trào là một điều rất đáng lo ngại trong xã hội thời nay. Các em không đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là đúng, đâu là sai, tinh thần không kiên định, dễ bị dụ dỗ, dễ bị thao túng tâm lý và dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần lắng nghe cơ thể và tâm hồn mình, để luôn cảm thấy an yên, cân bằng dù bên ngoài xảy ra bất cứ điều gì. Vì vậy, cần có những biện pháp xây dựng đề kháng cho sức khỏe tinh thần giúp người trẻ lạc quan, tự tin, có tư duy định hướng đúng đắn.
Nhận thức rõ trách nhiệm của tuổi trẻ, xây dựng tinh thần vượt khó, nhiệt huyết tìm tòi sáng tạo, khát khao "bùng nổ" để khẳng định bản thân. Điều quan trọng là các bạn trẻ phải tập làm chủ cảm xúc, hình thành các kỹ năng quản lý cảm xúc, cùng lan tỏa điều tích cực và phủ xanh cuộc sống bằng những hình mẫu đẹp, có lý tưởng, lối sống lành mạnh.
"Chữa lành" là một quá trình điều trị và phục hồi tái tạo lại sự cân bằng, hài hòa trong tâm hồn và cơ thể của con người. "Chữa lành" là cần thiết trong cuộc sống nhưng hiện nay phương thức "chữa lành" đang có hiện tượng bị lợi dụng để kinh doanh và thương mại hóa quá mức.
Để tránh tiền mất tật mang, mỗi người phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết, phải có trí tuệ, phân biệt được "chữa lành" thật, "chữa lành" giả, lựa chọn dịch vụ phù hợp với bản thân, túi tiền của mình và để biết bản thân mình có cần được "chữa lành" hay không. Bản thân chính mình có thể tự "chữa lành" được mà không cần phải tìm đến các dịch vụ. Trên thực tế không thể phủ nhận "chữa lành" có nhiều mặt tốt, nhưng hiện nay nhiều dịch vụ "chữa lành" đang biến mọi thứ trở nên cao siêu, huyễn hoặc với mục đích thu tiền.
Để có tinh thần tốt, cần thường luyện tập thể dục, thể thao như đi bộ, đánh cầu lông, bóng bàn; dành thời gian chăm sóc gia đình, người thân; giảm bớt hoạt động vô bổ như xem youtube, tiktok, livestream, chơi game; chọn công việc phù hợp với hoàn cảnh gia đình thể trạng sức khỏe; tập trung cao độ vào công việc; hưởng thụ hợp lý là chúng ta đã có thể tự chữa lành.
Bởi mục tiêu cuối cùng của "chữa lành" chính là cân bằng từ thể chất đến tâm thần, giúp con người cảm thấy bình an và hạnh phúc. Đau đớn, khổ sở, thất bại...hết thảy chỉ là những dấu tích nhỏ trong cuộc sống mà thôi. Sống, đó chính là vốn liếng và là cơ hội để theo đuổi hạnh phúc. Mỗi một cuộc đời, sống sao cho có ý nghĩa, mấu chốt chính là thái độ của người đó.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.