Tôi không biết từ đâu mà trào lưu chữa lành được các bạn trẻ Gen Z hưởng ứng rất nhiều. Đơn cử, trong công ty tôi có một số bạn hay xin nghỉ phép đi du lịch chữa lành, rồi tới mua sắm để chữa lành, gội đầu dưỡng sinh để chữa lành...
Thậm chí, có người còn bỏ tiền ra đóng học phí cho khóa học chữa lành. Nhưng mà sau tất cả, vẫn thấy các bạn không hề lành đi chút nào. Vì sau vài tuần, một tháng là những "mảng rách" mới lại xuất hiện.
Trong xã hội hiện đại, khi con người ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực và căng thẳng, nhu cầu "chữa lành" tinh thần cũng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những phương pháp chữa lành hiệu quả và khoa học, cũng xuất hiện hiện tượng "lạm dụng chữa lành".
Biểu hiện của lạm dụng chữa lành thể hiện qua nhiều hành vi như: vội vã tìm kiếm sự "chữa lành" mà không có sự hiểu biết, trốn tránh thực tế, thay vì đối mặt và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
Hậu quả của lạm dụng chữa lành có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bản thân, dẫn đến những tổn thất về tài chính, tạo ra những ảo tưởng về bản thân và thế giới xung quanh, đồng thời gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Nếu như các trào lưu chữa lành không phải là đu trend, thì các bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Lúc đó, đừng chữa lành qua những câu cửa miệng mà cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia.
Cũng cần cẩn trọng với những lời quảng cáo "chữa lành" thiếu khoa học, tự trang bị kiến thức về sức khỏe tinh thần, và coi trọng vai trò của y học và các phương pháp điều trị khoa học.
Mà tóm lại, tôi thấy thế hệ 8-9X đa phần có tuổi thơ thiếu thốn hơn Gen Z bây giờ, mà có thấy ai cần phải đi chữa lành đâu?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.