Bất chấp Covid-19 tác động đến các hoạt động nghệ thuật, 2021 đánh dấu sự thăng hoa của tranh Việt trên các sàn đấu giá quốc tế. Từ năm 2017 - lần đầu có tranh Việt triệu USD - đến năm 2020, có bốn tác phẩm đạt mức này.
Danh họa Mai Trung Thứ trở thành hiện tượng trong năm với ba tranh triệu USD. Trong đó, bức Chân dung cô Phương và Phụ nữ đội nón lá bên sông lần lượt đứng thứ nhất và thứ hai trong lịch sử đấu giá tranh Việt. Cả hai là tác phẩm hiếm hoi của ông ở mảng tranh sơn dầu. Hiện chỉ có bảy bức được ghi nhận đã xuất hiện tại các cuộc đấu giá. Trong suốt sự nghiệp, Mai Trung Thứ dành tâm sức cho tranh lụa.
Chân dung cô Phương được bán với giá 3,1 triệu USD trong phiên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale tại Sotheby's hồi tháng 4. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi ví tác phẩm ra đời năm 1930 này là "Mona Lisa của Việt Nam".
Phiên Mapping Modernities hôm 14/12 gồm tám tác phẩm, trong đó có bốn bức của Mai Trung Thứ. Phụ nữ đội nón lá bên sông được ấn định mức giá 1,57 triệu USD (36 tỷ đồng) bao gồm thuế phí. Tác phẩm ra đời năm 1937, năm cuối cùng ông ở Việt Nam, thể hiện khả năng phối màu, sự khéo léo trong từng nét vẽ của danh họa.
Ông còn bức Thiếu nữ chơi đàn nguyệt đạt một triệu USD trong phiên của nhà Bonhams tối 27/11. Đây là một trong những tác phẩm nổi bật trong gia tài tranh lụa - dấu ấn làm nên tên tuổi của Mai Trung Thứ. Giám tuyển Yunwen Sung nhận xét tranh pha trộn giữa quá khứ được đào tạo tại Việt Nam và cuộc phiêu lưu nghệ thuật của họa sĩ ở Paris. Tác phẩm từng được trưng bày trong triển lãm Trois Peintres Indochinois (Ba họa sĩ Đông Dương, gồm Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm) tại phòng tranh của Henri Joly ở Paris, tháng 12/1943.
* Giá trị nghệ thuật trong ba tranh triệu USD của Mai Trung Thứ
Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc, Lê Phổ cũng ghi dấu ấn với loạt tác phẩm triệu USD. Ba bức sơn mài được đấu giá cao trong năm đưa Phạm Hậu trở thành họa sĩ Việt có nhiều tranh triệu USD nhất - bốn tác phẩm. Bức Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long của ông được bán 1,24 triệu USD trong phiên "Nghệ thuật đương đại & hiện đại Đông Nam Á" của Bonhams tối 27/11. Tác phẩm từng thuộc về cựu hoàng Bảo Đại - khi ông đặt mua một số tranh của Phạm Hậu cho bộ sưu tập cá nhân và làm quà tặng các chính khách. Nhà đấu giá nhận định đây là kiệt tác, đại diện cho các tác phẩm đậm chất thơ với kỹ thuật sơn mài điêu luyện của Phạm Hậu.
Bức Phong cảnh thuyền buồm do nhà Aguttes đấu giá và Phong cảnh chùa Thầy trong phiên của Sotheby’s Hongkong cùng đạt mức triệu USD. Hai bức đều là bình phong sơn mài to, rộng, tạo sự hoành tráng và vẽ phong cảnh, thiên nhiên. Phạm Hậu sử dụng nhiều lớp màu sắc tạo chiều sâu, sự cân bằng cho tác phẩm. Ông khắt khe về bố cục, thường sử dụng phong cách Art Deco, kết hợp hai trường phái được sử dụng rộng rãi ở trường Mỹ thuật Đông Dương là nghệ thuật phương Đông và phương Tây.
Họa sĩ Lê Quốc Lộc gây tiếng vang với bức Phong cảnh Phnom Penh được bán giá 1,2 triệu euro (tương đương 1,36 triệu USD) trong phiên đấu của Millon-Asium hồi tháng 10. Bức bình phong tám tấm bằng sơn mài, sáng tác năm 1943 - năm Lê Quốc Lộc tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tranh mang vẻ đẹp tinh xảo và nhẹ nhàng với chất liệu tự nhiên như gỗ, nhựa cây sơn, vàng lá và vỏ trứng.
Lê Phổ cũng góp phần nâng tầm giá tranh Việt năm qua với bức Thiếu nữ choàng khăn đạt 1,1 triệu USD trong phiên của Christie's Hong Kong. Tác phẩm tiêu biểu cho nguồn cảm hứng lớn của ông - đề tài thiếu nữ. Danh họa thể hiện vẻ đẹp thanh tao của phụ nữ với các họa tiết về văn hóa Bắc bộ bằng kỹ thuật vẽ lụa hiện đại.
Nhu cầu mua bán, sưu tập tranh của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương tăng cao, góp phần thúc đẩy giá. Mai Trung Thứ, Phạm Hậu, Lê Phổ... đều là những tác giả bước ra từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - cái nôi đào tạo họa sĩ được giới chuyên môn thế giới tôn vinh. Theo một số chuyên gia, phần lớn tác phẩm thời kỳ này thuộc sở hữu của các nhà sưu tập nước ngoài, nhất là Pháp. Từ khi có bức của Lê Phổ cán mốc triệu USD năm 2017, tranh của các danh họa Việt ngày càng được chú ý, tăng giá. Các nhà sưu tập ở Pháp tích cực bán tranh, từ đó thúc đẩy nhu cầu thị trường.
Các tác phẩm của họ được chào bán thường xuyên tại các phiên của Sotheby's, Bonhams, Christie's, Lynda Trouvé... Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn - nói: "Qua thời gian, số lượng tranh của các họa sĩ Đông Dương ngày càng hiếm trên thị trường. Chúng đắt giá bởi yếu tố đào tạo của người Pháp, tính lịch sử, các tác phẩm chứa đựng câu chuyện thời cuộc".
Bernadette Rankine - giám đốc khu vực Đông Nam Á của Bonhams - cho biết vài năm gần đây các nhà sưu tập Việt Nam có xu hướng mua lại tác phẩm của các danh họa quốc gia. Bà nói trên Straitstimes: "Người Việt Nam rất tích cực mua tranh các nghệ sĩ của họ - những tác phẩm đã ra nước ngoài trong thời thuộc địa. Khi đó, người nước ngoài mua tác phẩm trong thời gian họ ở Việt Nam rồi mang về nước. Các tranh này hiện được đấu giá và hồi hương".
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết theo một số nguồn tin chủ sở hữu Chân dung cô Phương, Phong cảnh Phnom Penh... hiện là người Việt Nam. "Dấu hiệu này đáng mừng. Cuối cùng, tất cả những gì hay nhất, cho dù lưu lạc ở đâu vẫn về với Việt Nam, không chỉ là tranh mà cả đồ cổ", anh nói.
Mỹ thuật Việt Nam chưa bao giờ được yêu thích hơn lúc này, tờ New York Times từng nhận định năm 2017. Tuy vậy, các chuyên gia cũng đề cập tình trạng tranh thời Đông Dương giả xuất hiện nhiều trên thị trường.
Hiểu Nhân