Ở phiên đấu Sotheby's Hong Kong hôm 14/12, bức Femme au chapeau conique le long de la rivière (Phụ nữ đội nón lá bên sông) của Mai Trung Thứ được bán với mức 1,57 triệu USD, cao thứ hai trong lịch sử đấu giá tranh Việt. Năm nay, danh họa lần thứ ba ghi tên vào danh sách họa sĩ Việt có tranh triệu USD. Trong đó, bức Chân dung cô Phương - đạt 3,1 triệu USD hồi tháng 4 - là kỷ lục tranh Việt.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: "Tranh của Mai Trung Thứ ngày càng lên giá, người nào sở hữu tác phẩm là nắm trong tay một gia sản 'khổng lồ'. Các tác phẩm rất đẹp, có giá trị nghệ thuật cao, đại diện cho kỹ thuật, tinh hoa của lớp họa sĩ đầu bước ra từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương".
Chân dung cô Phương và Phụ nữ đội nón lá bên sông là hai kiệt tác hiếm hoi của ông ở mảng tranh sơn dầu. Hiện chỉ có bảy bức được ghi nhận đã xuất hiện tại các cuộc đấu giá. Trong suốt sự nghiệp, Mai Trung Thứ dành tâm sức cho tranh lụa.
Về tác phẩm Phụ nữ đội nón lá bên sông, trên website của Sotheby's, Nicolas Henni Trinh Duc - nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam sống tại Paris - nhận xét: "Cô gái đứng bên bờ sông vào buổi trưa, chiếc áo dài màu xanh lá cây lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời như thể cô là nhân vật được tạc ra từ ngọc bích. Khuôn mặt cô gợi vẻ bí ẩn và được che bóng trong vành nón lá. Sự yên bình của khung cảnh được tạo nên bởi màu sắc hài hòa và biểu cảm ngọt ngào của người phụ nữ".
Nicolas Henni-Trinh Duc nhấn mạnh Mai Trung Thứ xuất sắc trong việc tạo cảm giác tự sự cho bức tranh. Qua kỹ năng phối màu, nét vẽ khéo léo, ông khắc họa về cuộc sống hàng ngày ở Huế một thời.
Danh tính nhân vật chưa được làm rõ nhưng là hình mẫu yêu thích của Mai Trung Thứ thời gian ông ở Huế. Theo Sotheby's Hong Kong, tranh còn thể hiện sự yêu thích của Mai Trung Thứ với chiếc áo dài màu xanh - xuất hiện ít nhất trong năm tác phẩm lớn thời kỳ này.
Nhân vật trong tranh mang nhiều điểm chung trong loạt tác phẩm của Mai Trung Thứ: mặc áo dài, có gương mặt trái xoan, toát nên vẻ đẹp nền nã, dịu dàng. "Bức Phụ nữ đội nón lá bên sông mang nét thơ mộng, trẻ trung, còn Chân dung cô Phương thể hiện sự sang trọng, quý phái của cô gái nhà giàu", ông Ngô Kim Khôi nói.
Chân dung cô Phương được ông Ngô Kim Khôi ví là Mona Lisa của Việt Nam. Khi thưởng tranh, người xem có thể tưởng như cô Phương đang nhìn mình đắm đuối và có nhiều điều muốn tâm tình. Ông Khôi liên tưởng tới hai câu thơ của Đinh Hùng: "Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng/ Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại...". Nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm khắc họa rõ nét hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam: từ tà áo dài, cách vấn khăn, kiềng cho đến gương mặt và dáng ngồi.
Nhà nghiên cứu Phạm Long nhận xét tác phẩm thể hiện được tài năng và phong cách nghệ thuật của Mai Trung Thứ. Họa sĩ sử dụng gam màu mát dịu, bố cục hình tam giác cân mang đến sự yên bình, tự tại cho khung cảnh và nhân vật. "Đây là tác phẩm đẹp và hiếm hoi trong thời kỳ đầu của họa sĩ. Bức tranh có giá trị sưu tập hơn là giá trị đầu cơ", anh nói.
Tranh được sáng tác năm 1930, khi ông là giáo viên dạy vẽ tại Trung học Pháp tại Huế. Theo Sotheby’s, tác phẩm gói gọn tình cảm của Mai Trung Thứ dành cho cô Phương - một phụ nữ Hà Nội, được cho là người tình của ông. Tác phẩm được chọn tham gia triển lãm Quốc tế Thuộc địa tại Paris năm 1931.
Lady Playing A Nguyet Cam (Thiếu nữ chơi đàn nguyệt) chốt mức giá một triệu USD bao gồm thuế phí trong phiên đấu hồi tháng 11 của Bonhams. Đây là một trong những tác phẩm nổi bật trong gia tài tranh lụa - dấu ấn làm nên tên tuổi của Mai Trung Thứ. Theo nhà đấu giá, bức tranh không chỉ hòa quyện giữa thị giác và âm thanh một cách uyển chuyển, trữ tình, còn mời gọi người xem trải nghiệm khoảnh khắc thân thuộc thoáng qua được ghi lại trong không gian hình ảnh.
Họa sĩ sử dụng kỹ thuật tạo hình phương Tây để vẽ tác phẩm. Bố cục tranh tuân theo quy tắc một phần ba: thiếu nữ chơi đàn - chủ thể chính - hơi chếch về phía bên phải của vị trí trung tâm, trong khi người phụ nữ khác quay lưng về phía người xem được đặt ở phía bên trái, tạo sự cân bằng thị giác.
Dù là điểm nhìn đầu tiên của bức tranh nhưng thiếu nữ chơi đàn lại hướng ánh nhìn ra xa, trong khi ánh mắt của nhân vật còn lại lẫn người xem đều hướng về cô. Điều này tạo sự chuyển động linh hoạt trong bố cục, cho phép người xem dõi theo dấu vết thị giác họa sĩ sắp đặt và tự do di chuyển quanh bức tranh. Ánh mắt trầm ngâm của người thiếu nữ đóng vai trò tạo sự hấp dẫn tương tác giữa người xem và tác phẩm nghệ thuật.
Các vật dụng như tách trà, quạt xếp gợi nhớ yếu tố văn hóa Việt. Tác phẩm còn thể hiện niềm đam mê âm nhạc của Mai Trung Thứ. Ông biết chơi sáo trúc, đàn bầu. Khi sang Pháp, ông thường xuyên biểu diễn trong các buổi hòa nhạc và thu âm album Musique du Viet-nam cùng giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê. Trong cuộc phỏng vấn năm 1967, họa sĩ nói đặc biệt thích nghe nhạc truyền thống Việt Nam khi vẽ.
Ngoài giá trị nghệ thuật, tác phẩm có tính lịch sử rõ ràng. Bức tranh được trưng bày trong triển lãm Trois Peintres Indochinois (Ba họa sĩ Đông Dương, gồm Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm) tại phòng tranh của Henri Joly ở Paris vào tháng 12/1943. Tại triển lãm, họa sĩ được giới thiệu có phong cách "đậm đặc dấu ấn cá nhân" ("intimiste) - nhằm ghi nhận những nỗ lực của ông trong việc biến những hình ảnh cuộc sống đời thường trở nên có giá trị. Sau đó, tranh được chủ nhân mua trực tiếp từ Henri Joly. Khi đấu giá, tác phẩm có kèm giấy chứng nhận xác thực bằng ảnh, cấp bởi phòng tranh của Henri Joly ngày 7/12/1943.
Giám tuyển Yunwen Sung viết trên Bonhams: "Sức mạnh nghệ thuật của Mai Trung Thứ đến từ thực hành nghệ thuật chiết trung kết hợp phong cách phương Tây và Việt Nam với khả năng cảm thụ thị giác độc đáo. Điều này thể hiện sự pha trộn giữa quá khứ được đào tạo tại ở Việt Nam và cuộc phiêu lưu nghệ thuật của họa sĩ ở Paris. Thiếu nữ chơi đàn nguyệt thể hiện sự phát triển của ông với tư cách là nghệ sĩ biểu tượng - người mở ra chương mới trong lịch sử nghệ thuật hiện đại Việt Nam".
Hiểu Nhân