Ngày 23/3, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó có quy định về hộ kinh doanh. Tại tờ trình, Chính phủ đánh giá việc dành một chương riêng quy định về hộ kinh doanh sẽ xoá bỏ hạn chế về thương quyền, nâng cao địa vị pháp lý của đối tượng này.
Nhưng các ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thường trực Uỷ ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự luật này lại đề nghị tách nội dung về hộ kinh doanh thành luật riêng, không đưa vào Luật Doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, bản chất hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, đưa đối tượng này vào Luật Doanh nghiệp là không phù hợp. Theo đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phòng Thương mại & Công nghiệp - VCCI cần tổng kết hoạt động của hộ kinh doanh thời gian qua, xây dựng một luật riêng điều chỉnh đối tượng này.
"Sản xuất, kinh doanh của 5 triệu hộ kinh doanh không bị ảnh hưởng nếu họ không được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Họ vẫn làm ăn, nộp thuế bình thường", Chủ tịch Kim Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 23/3. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự luật lần này cũng cho rằng, hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần... Vì thế, luật hoá đối tượng này tại Luật Doanh nghiệp sẽ dẫn tới phải mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho chủ thể mới.
Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI bày tỏ nhu cầu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Theo ông, do không được coi là doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hiện chưa được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ như tiếp cận tín dụng, tư vấn pháp lý, phát triển nhân lực... Chưa kể, nhiều quy định pháp luật hiện nay hạn chế thương quyền của hộ kinh doanh. Chẳng hạn, họ chỉ được tuyển dụng không quá 10 lao động, hoạt động tại một địa điểm. "Đây là những hạn chế vô lý, bất bình đẳng với hộ kinh doanh khiến họ khó phát triển", Chủ tịch VCCI nhận xét.
Thuyết phục các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá, nền kinh tế, nguồn lực xã hội sẽ khơi thông nếu 5 triệu hộ kinh doanh được "lên đời" doanh nghiệp.
Ông Dũng lo lắng, nếu đặt vấn đề luật hoá riêng hộ kinh doanh, không quy định tại Luật Doanh nghiệp lần này sẽ mất thời gian tổng kết, rồi kéo dài vài năm nữa mới có luật. "Luật hoá hoạt động hộ kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này có lợi hơn, nên làm ngay, không nhất thiết phải cầu toàn có luật mới", ông nói.
Trước luồng ý kiến còn khác nhau, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo hoàn thiện báo cáo trong đó đưa ra hai phương án, báo cáo Quốc hội và lấy ý kiến các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp dự kiến vào tháng 5 tới.
Anh Minh