Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Thay đổi lớn tại dự luật sửa đổi lần này là hộ kinh doanh được công nhận là hình thức kinh doanh như các doanh nghiệp, có địa vị pháp lý, được quyền mở văn phòng đại diện.
Ông Trần Quang Chiểu - Thường trực Uỷ ban Tài chính cho rằng, các điều kiện luật hoá hộ kinh doanh tại dự thảo luật không có gì mới so với hiện hành và chưa phải là cứu cánh cho hộ kinh doanh với kỳ vọng mở rộng thị trường, tăng thu thuế... Điều có lợi duy nhất, ông Chiểu nói, là "sau một ngày có thêm 5 triệu doanh nghiệp".
Trường hợp vẫn quyết tâm đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đại biểu tỉnh Nam Định nhấn mạnh, phải "viết lại toàn bộ nội dung này hoàn chỉnh hơn, hoặc xây dựng nghị định riêng về đối tượng này".

Ông Trần Quang Chiểu - Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Các đại biểu thảo luận sau đó cũng nhận xét, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp mà "cố đưa họ vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp là khiên cưỡng". Chưa kể các quy định đưa ra chưa định danh rõ địa vị pháp lý, mục tiêu quản lý hay tạo điều kiện cho đối tượng này phát triển chưa rõ ràng.
Phó chủ tịch thường trực Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành đồng tình với ý kiến trên. Theo ông, quy định về hộ kinh doanh tại dự luật sửa đổi còn mang tính hành chính, chưa làm rõ các quyền như tiếp cận vốn, hệ thống kế toán... "Cần cơ chế chính sách để hộ kinh doanh phát triển thuận lợi, thay vì chế độ chính sách thanh kiểm tra cứng nhắc", ông Thành lưu ý.
Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế đề nghị chưa luật hoá quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh và không nên ép họ trở thành doanh nghiệp. Dẫn kết quả khảo sát trực tiếp tại các hộ kinh doanh cho chính mình tiến hành, bà Thơ thông tin, phần lớn không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp dù nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ.
"Chủ các hộ kinh doanh còn lo ngại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức nên thiếu tự tin và chấp nhận "nằm im" để kinh doanh an toàn, vì chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý nhiều hơn", nữ đại biểu tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.
Cũng cho rằng "không nên đưa hộ kinh doanh vào luật vì sẽ quá sức chịu đựng của họ", ông Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, đề nghị trước tiên chỉ cần nghị định Chính phủ về hộ kinh doanh là đủ.
Ở chiều ngược lại, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, luật hoá quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh để họ được chính danh, minh bạch hoá hoạt động. Theo ông, việc này không nhằm xoá bỏ đối tượng này, cũng không phải ép buộc họ chuyển đổi thành công ty, doanh nghiệp tư nhân hay thay tên đổi họ.
Ông Lộc cũng khẳng định, sẽ không phát sinh thêm chi phí, thủ tục hành chính khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Mặt khác, đối tượng này sẽ được hưởng chính sách hỗ tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; ngân sách sẽ có thêm khoản thu; giảm nhũng nhiễu, tham nhũng vặt...
"Không có chuyện qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở hôm nay. Nhưng khi vị thế pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh được luật hoá, họ sẽ yên tâm làm ăn minh bạch, đóng góp vào phát triển kinh tế", ông Lộc nhấn mạnh.
Trước quan điểm trái chiều, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, việc bổ sung quy định không phát sinh tiêu cực hoạt động hộ kinh doanh, không phát sinh thêm thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và đổi giấy chứng nhận. "Chúng tôi đã đánh giá tác động toàn diện chứ không phải là khảo sát các hộ kinh doanh", ông Dũng khẳng định.
Anh Minh