Sáng 24/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó đề xuất loạt cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách.
Chính phủ đề xuất cho phép Đà Nẵng huy động vốn đầu tư thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, từ nguồn vay về cho vay lại của Chính phủ... với tổng mức dư nợ vay không quá 60% số thu ngân sách phân cấp cho thành phố. Ước tính, Đà Nẵng sẽ có thêm hơn 6,3 tỷ USD trong 5 năm tới nhờ chính sách này.
Quốc hội sẽ quyết định tỷ lệ điều tiết ngân sách năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra quy định, ngân sách trung ương bổ sung 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng giao để thực hiện các dự án cụ thể.
Chính phủ cũng đề xuất HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; chi đầu tư phát triển mua sắm... Việc chi thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
HĐND thành phố quyết định ban hành phí, lệ phí mới; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí có trong danh mục được cấp thẩm quyền quyết định.
Nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động có trình độ (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phát sinh tại Khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao trong 5 năm nhưng không quá 2025.
HĐND thành phố được quyền quyết định các chính sách giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo. Chẳng hạn, dự án đầu tư được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo... Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định thành phố được điều chỉnh quy hoạch với trường hợp không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch của Luật Quy hoạch.
Đồng tình nên tạo thuận lợi nhất cho Đà Nẵng phát triển, nhưng những đề xuất cơ chế đặc thù nêu tại dự thảo Nghị quyết khiến nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội băn khoăn.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói ông lo ngại nhất là cơ chế đặc thù về đất đai, thuế, phí và tiền lương cán bộ, công chức... cho Đà Nẵng mà Chính phủ đề cập. "Không thể có chính sách thuế riêng cho Đà Nẵng", ông nói.
Với cơ chế tiền lương, từ đầu năm 2021, cả nước có cơ chế lương chung cho cán bộ công chức, viên chức. Trường hợp có đặc thù riêng cho Đà Nẵng thì sẽ chỉ áp dụng tới 31/12/2020, như vậy "sẽ không có nhiều ý nghĩa".
Ông Hiển cho rằng, một số cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng được Chính phủ đề xuất đã nêu tại Nghị định 144/2016. Vì thế, thay vì ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội, Chính phủ chỉ cần sửa các quy định tại Nghị định 144.
"Việc sửa đổi như vậy mang tính rút gọn, đảm bảo chính sách sớm được ban hành, giúp Đà Nẵng sớm có cơ chế phát triển hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước", ông nói.
Còn Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì e ngại, một số đề xuất chính sách đặc thù như điều chỉnh đất đai, quy hoạch... khi giao thẩm quyền cho thành phố sẽ không đúng với Luật Quy hoạch 2019. Cơ chế về thuế, tiền lương đã được quy định trong các luật liên quan, giờ muốn có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng phải sửa luật. Ông đề nghị Chính phủ rà soát lại cẩn trọng tính pháp lý của nghị quyết.
Trao đổi thêm, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch TP Đà Nẵng tha thiết được giữ lại thẩm quyền "thành phố được điều chỉnh quy hoạch cục bộ". Theo ông, thực tiễn phát triển vừa qua cho thấy cần điều chỉnh nhiều dự án đã được quy hoạch lộn xộn, gây bức xúc. Mỗi khi xin điều chỉnh một chi tiết nhỏ, thành phố phải xin lần lượt các cấp bộ, ngành, qua nhiều tầng nấc, có khi tới cả năm trời, gây mất thời gian, lỡ cơ hội phát triển.
"Nếu được sẽ đề nghị Chính phủ rà soát và sửa đổi Nghị định 144 cho phù hợp", ông Thơ kiến nghị.
Quan điểm của Chủ tịch Đà Nẵng sau đó không nhận được đồng tình từ các thành viên Thường vụ Quốc hội. Cơ quan này thống nhất dự thảo Nghị quyết cần sửa lại tên gọi cho phù hợp hơn, là "Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và một số cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng".
Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ rà soát lại việc sửa đổi Nghị định 144/2016, phối hợp cùng các Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra lại để báo cáo Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/5 tới. Hồ sơ sau tiếp thu, chỉnh lý đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp vào tháng 5 tới.
Anh Minh