Ngày 8/5, tại hội thảo "phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương" do Bộ Nội vụ tổ chức, ông Đỗ Văn Đạo - Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM cho biết, quan điểm của thành phố là nên đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng nơi.
"Vừa qua, thành phố được phân cấp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn đã tạo điều kiện cho chúng tôi chủ động hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn", ông Đạo nói.
Tuy nhiên, ông Đạo cho hay thành phố đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc sử dụng biên chế vượt con số được giao; thẩm quyền của UBND và Chủ tịch UBND còn vướng trong khi trong luật chuyên ngành không tương thích với Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
"Phải xác định phân cấp quản lý nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước", ông Đạo nhấn mạnh.
Theo ông, bộ máy hành chính địa phương ở đô thị cần tập trung, vận hành thông suốt, nhanh nhạy, không thể cắt khúc công việc như ở nông thôn. Vì vậy, việc phân cấp quản lý giữa chính quyền ở thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh không thể giống như phân cấp ở chính quyền huyện thuộc cấp tỉnh.
"Trong phân cấp quản lý, Trung ương nên mạnh dạn giao cho chính quyền địa phương quản lý những lĩnh vực như: Ngân sách, kế hoạch, quy hoạch, đầu tư, đất đai, khoáng sản, các hoạt động sự nghiệp công. Những vấn đề về quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, tiền tệ, bảo hiểm xã hội, bưu chính, viễn thông, năng lượng nguyên tử... thì không phân cấp", Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM nói.
Ông Đạo cho rằng, trong những trường hợp cần thiết, Trung ương có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương và kèm theo các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành những nhiệm vụ mà cấp trên giao cho.
"Thực tế đã chứng minh, địa phương nào tích cực, sáng tạo, dám làm thì ở đó phát triển, còn ở đâu chính quyền địa phương trì trệ, dựa dẫm vào trung ương thì sẽ kém phát triển. Do đó, cần mạnh dạn phân cấp, giao quyền chủ động hơn cho chính quyền địa phương", ông nói thêm.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Nội vụ TP HCM, quá trình phân cấp quản lý cho địa phương có thể phát sinh tiêu cực như tham nhũng, cát cứ, lộng quyền. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ phát hiện sớm, kịp thời để điều chỉnh những bất hợp lý trong thực hiện phân cấp.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc thì đánh giá, việc phân cấp, phân quyền tại địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, việc phân công, phân cấp tuy đã được quy định tại nhiều văn bản song quá trình thực hiện vẫn còn những biểu hiện không rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm.
Lĩnh vực này có nhiều cấp, nhiều cơ quan cùng quản lý, cùng thực hiện nhưng không rõ cơ chế chịu trách nhiệm; vẫn còn vấn đề tư tưởng dòng họ, nhóm lợi ích trong quy hoạch, bổ nhiệm.
Từ thực trạng trên, ông Toản đề nghị Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ sửa đổi các quy định theo hướng trao cho UBND tỉnh thêm thẩm quyền trong việc xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với những trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức; phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định nâng bậc lương trước thời hạn đối với ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương mà không qua ý kiến thống nhất với Bộ Nội vụ; đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, ban hành tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức gắn với hiệu quả và kết quả thực thi công vụ...
Bà Nguyễn Thị Thơm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh đồng tình với đề nghị nêu trên.
"Đề nghị phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự; từ ngạch nhân viên, cán sự và tương đương lên ngạch chuyên viên và tương đương, không phải qua khâu thẩm định, phê duyệt của Bộ Nội vụ trước khi thực hiện", bà Thơm bổ sung thêm.