Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo về một kỳ thi quốc gia thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học với ba phương án môn thi, nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục đã nêu ý kiến đóng góp.
Ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên bày tỏ đồng tình với phương án 1, tức là thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.
Phương án này không có nhiều thay đổi so với cách làm hiện tại, không làm học sinh và giáo viên thấy đột ngột nên có thể làm từ năm 2015. Hơn nữa, cách ra đề thi như năm 2014 có thể duy trì vì đảm bảo yếu tố cơ bản về kiến thức vừa phân loại được thí sinh, giúp các em được sáng tạo trong quá trình làm bài, không gò bó và gắn với thực tiễn.
"Phương án 2, 3 cần có thời gian chuẩn bị để thầy thay đổi cách dạy và trò thay đổi cách học. Phương thức, cách thức ra đề phù hợp cũng cần có thời gian chuẩn bị", ông Cường nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức thì bày tỏ, cá nhân ông thấy phương án 2 - tổng hợp các môn thi thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (Sử và Địa) là triệt để nhất nhưng nếu thực hiện luôn sẽ gây sáo trộn.
"Tôi cho rằng cần có lộ trình. Cả ba phương án đều ổn, nhưng năm 2015 thực hiện phương án 1, đến 2016 thực hiện phương án 2 và 2020 thực hiện phương án 3 là hợp lý", ông Đức đề xuất.
TP HCM là địa phương đã thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá nhiều năm nay. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục cho biết việc đổi mới này đã có tác dụng rất lớn, thay đổi cách học thuộc lòng, máy móc lạc hậu. Tuy nhiên, để phù hợp với đa số học sinh ở vùng miền khác nhau, theo ông Sơn nên thực hiện phương án 1 - thi theo môn ở kỳ thi quốc gia năm 2015.
Vị giám đốc Sở cho rằng, sau năm đầu tiên làm quen, năm 2016 cần thực hiện ngay phương án 2 là kỳ thi chung với các bài thi tổng hợp môn học để đáp ứng kịp thời quá trình đổi mới. Sau khi giáo viên từng bước thay đổi cách dạy, học sinh có phương pháp tiếp nhận kiến thức phù hợp thì tổ chức rút kinh nghiệp để thực hiện phương án 3 tích hợp thành các bài thi: Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nghiêng về phương án 1 vì theo bà, nếu thi tích hợp thì học sinh miền núi chưa tiếp cận được, giáo viên hướng dẫn cũng khó khăn.
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cũng đồng tình với việc thực hiện một kỳ thi quốc gia. Theo ông, việc thay đổi này nhấn mạnh được sự chuyển biến của nền giáo dục đất nước. Kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học 2014 đã có chuyển biến tích cực, và việc thực hiện một kỳ thi chung là xu hướng chung, không đơn thuần là về kinh tế mà còn là thành quả giáo dục.
Người đứng đầu cơ sở đào tạo sư phạm số 1 cả nước phân tích, với mặt bằng chung của học sinh hiện nay không nên làm thi tích hợp mà phải làm bài tổng hợp trước. Khi việc giảng dạy phổ thông đã tích hợp cao thì mới có thể tổ chức kỳ thi quốc gia với các bài thi tích hợp.
"Tôi nghiêng về phương án 2 tổng hợp các môn trong bài thi. Bài thi khoa học tự nhiên hợp lý nhưng bài thi Khoa học xã hội cần thêm môn Giáo dục công dân. Tôi cho rằng không nên để học sinh tự chọn giữa Khoa học tự nhiên hay Xã hội mà phải bắt buộc cả hai bài thi này vì để tốt nghiệp THPT học sinh cần có hiểu biết toàn diện", thầy Minh kiến nghị.
Tiếp thu ý kiến của đại diện các tỉnh, thành, lãnh đạo các trường đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích, ba phương án thi nêu trong dự thảo một kỳ thi quốc gia chung thực chất là giống nhau, chỉ khác nhau ở mức độ. Nếu đổi mới thi cử là một hành trình từ Bắc vào Nam thì phương án 1 giống như đi từ ga Hàng Cỏ vào tới Vinh, phương án 2 tới Đà Nẵng, phương án 3 đến Nha Trang, và để đến được TP HCM còn một đoạn đường nữa.
"Hành trình này đi đến cách đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Chúng ta sẽ không làm giật cục, bởi giật cục thì học sinh sẽ không thi được và giáo viên cũng cần bồi dưỡng từng bước", Bộ trưởng Giáo dục nhận định.
Ông chia sẻ, nếu chỉ có vài học sinh thì ngành giáo dục sẽ làm một kỳ thi chung tích hợp môn thi theo phương án 3, như vậy giáo dục sẽ về tới đích nhanh hơn. Nhưng học sinh hiện nay là con số hàng triệu, nên phải cân nhắc số đông để quyết định đi với tốc độ nào để cả học sinh không khỏe, không được nhanh nhẹn đều thi được.
"Quá trình lấy ý kiến đóng góp chưa dừng lại. Bộ GD&ĐT mong muốn sẽ nhận được nhiều ý tưởng hay, có thể là đóng góp trực tiếp, hoặc gửi thư, email... Bộ sẽ tổng hợp các góp ý, từ đó có quyết định đúng đắn, phù hợp, hiệu quả", Tư lệnh ngành giáo dục cho hay.
Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục sẽ tiếp nhận góp ý, hoàn thiện dự thảo và công bố phương án chính thức vào tháng 9 để thực hiện từ năm 2015.
Hoàng Thùy