Trong hội nghị Tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học mới diễn ra sáng 29/7, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển đã công bố dự thảo phương án một kỳ thi chung. Theo đó, kỳ thi quốc gia này nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Kỳ thi sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 hàng năm, bố trí thành cụm, theo địa bàn tỉnh. Tại mỗi tỉnh có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. Các điểm thi là trường THPT và các trường ĐH, CĐ. Bộ Giáo dục sẽ thảo luận với các tỉnh để thành lập các cụm thi quốc gia.
Địa điểm chấm thi sẽ được thành lập theo vùng miền. Hội đồng coi thi có thành viên là cán bộ, giáo viên của Sở Giáo dục và cán bộ, giảng viên các ĐH, CĐ. Lãnh đạo các hội đồng chủ yếu là lãnh đạo của các trường ĐH và lãnh đạo Sở giáo dục có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi quốc gia.
Bộ Giáo dục đang đảm nhận nhiệm vụ tổ chức ra đề thi. Nhưng trong tương lai, việc này sẽ do trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia đảm nhiệm.
Nội dung câu hỏi của đề thi ở cả bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hoá học sinh, phục vụ công tác tuyển sinh vào các đại học, cao đẳng.
Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi, tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.
Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý sẽ thi tự luận trong 180 phút, các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngoại ngữ trắc nghiệm 90 phút.
Bộ Giáo dục đưa ra ba phương án môn thi để xin ý kiến các nhà giáo và nhân dân.
Phương án 1 là theo môn thi. 8 môn gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.
Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Văn, Lý, hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử và Địa).
Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội.
Phương án 3 cũng thi theo bài. 11 môn học lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi.
Theo đó, sẽ có bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ. Tất cả sẽ có 4 buổi thi được tổ chức trong 2 ngày, mỗi buổi thi một bài.
>> Chi tiết phân tích các phương án môn thi
Tuyển sinh đại học
Việc tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường phải thông tin về tuyển sinh trước kỳ thi quốc gia 6 tháng trên website của trường. Kèm theo đó, các trường nêu rõ phương thức tuyển sinh, trong đó cần chỉ rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh vào trường theo từng ngành học.
Đối với các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh cần công bố phương thức tuyển sinh, trong đó các môn thi, bài thi của kỳ thi quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường và công bố môn thi/bài thi chính sẽ nhân hệ số điểm trong số các môn thi/bài thi xét tuyển đối với từng ngành đào tạo.
Ngoài ra, trên cơ sở đặc thù của từng trường kèm theo việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia các trường có thể bổ sung hình thức kiểm tra năng lực khác như sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ…
Với các ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng trình Bộ GD&ĐT, trong đề án cần chỉ rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
Bộ Giáo dục sẽ nhận ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo, công bố phương án chính thức vào tháng 9 để thực hiện từ năm 2015.
Hoàng Thuỳ