Ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng, tính đến tháng 5/2023. Thảo luận ngày 31/5, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP HCM đề xuất "có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc; hoặc xây nhà ở cho thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và đào tạo, chuyển nghề cho công nhân". Ông Tuấn cho rằng giải pháp này sẽ kích cầu ngay cho nền kinh tế.
Tranh luận tại phiên thảo luận sáng nay, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, chia sẻ với sự sốt ruột của ông Tuấn và đồng tình nên linh hoạt nguồn vốn đang tồn trong ngân quỹ này.
Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng, sự linh hoạt là trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tháo gỡ thủ tục hành chính để đưa tiền vào đúng địa chỉ, tức là vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho kinh tế. "Nếu những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn này mà không có thì có khi sự lãng phí này sẽ sinh ra sự lãng phí khác", ông nói.
Cơ chế hiện nay cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, song ông Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ chưa thực sự tốt trong thực hiện ưu tiên hiện nay là giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế.
"Việc ấn định mức giá chào thầu cũng như dự kiến khối lượng tiền chào thầu có xem xét đến các mục tiêu tác nghiệp về thanh khoản hệ thống ngân hàng, cũng như mặt bằng giá vốn trên thị trường tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi không?", Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đặt vấn đề, và đề nghị các thành viên Chính phủ có câu trả lời thoả đáng, gỡ khó cho nền kinh tế.
Giải trình về số tiền tồn dư ngân sách này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang gửi 895.000 tỷ đồng lãi suất 0,8% một năm tại Ngân hàng Nhà nước và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại 130.000 tỷ đồng. Ông cho hay, đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia.
"Số tiền này đã có kế hoạch chi tiết cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác", ông Phớc nói.
Nói bên hành lang Quốc hội hôm 26/5, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, tồn đọng hơn một triệu tỷ đồng trong ngân quỹ là lãng phí, và chậm đưa vào khiến kinh tế mất đi động lực. Nhưng ông lưu ý, dù sốt ruột, cũng không "đẩy" tiền ra bằng mọi giá mà cần làm từng bước chặt chẽ, hiệu quả.
"Nếu đưa tiền ra mà làm thất thoát, lãng phí lớn hơn thì còn xót xa hơn. Không thể nóng vội mà đưa ra những giải pháp cực đoan, thay vào đó cần thận trọng để tránh nảy sinh thất thoát, lãng phí", ông phân tích.
Đầu tư công - vốn được coi là nguồn lực dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển - hiện giải ngân rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ 2022 (18,48%). Theo Luật Đầu tư công, có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khâu chuẩn bị dự án "tắc" sẽ dẫn tới các khâu tiếp theo, như giải ngân vốn không thực hiện được.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này.