Ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng, tính đến tháng 5/2023. Thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay, ông Trần Anh Tuấn cho rằng con số này cho thấy vốn dư thừa rất lớn mà không thể tiêu được.
"Chúng ta có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc; hoặc xây nhà ở cho thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và đào tạo, chuyển nghề cho công nhân", ông Tuấn đề xuất.
Đại biểu này nói, trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn, những giải pháp này sẽ giúp đưa vốn chưa sử dụng vào kích cầu, kích hoạt cho nền kinh tế.
Trả lời VnExpress hôm 25/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc tồn ngân quỹ lớn chủ yếu do tắc nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Hiện số tiền này được gửi tại Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8% một năm. Ông Phớc cho rằng, phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này.
Tình trạng lao động bị giãn việc, giảm giờ làm, mất việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất cũng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ghi nhận.
Theo báo cáo của cơ quan này, quý I năm nay, số lao động nghỉ giãn việc gần 294.000 người, giảm 2.000 người so với cuối 2022 và đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (83%).
Nhưng số lao động mất việc là 149.000 người, tăng 39.000 người so với quý trước, tập trung ở ngành dệt may (19%); da giày (18%), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử (17%). Lao động mất việc, giảm giờ làm tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai 32.600 người, Bình Dương 21.700 lao động, Bắc Ninh và Bắc Giang lần lượt 14.000 người và 7.700 người.
Kết quả khảo sát do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress thực hiện với hơn 8.340 lao động cuối tháng 4 cho thấy, 31% lao động trả lời họ không có việc làm. Việc tìm kiếm cơ hội mới rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Ban IV kiến nghị Thủ tướng trợ lực ngay cho doanh nghiệp để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, qua đó hỗ trợ gián tiếp cho người lao động. Chính phủ cũng có thể cân nhắc đến các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương hoặc đào tạo lao động. Ngoài ra, để người lao động có thể trở lại thị trường thuận lợi, Chính quyền cấp trung ương, địa phương cũng cần hỗ trợ họ các khóa học nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng quan ngại thực trạng doanh nghiệp đang rất khó khăn. Ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Quảng Trị, nói doanh nghiệp nội địa đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản và thâu tóm.
Phó trưởng đoàn tỉnh Quảng Trị dẫn ví dụ, các tập đoàn lớn của Thái Lan hiện sở hữu nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực từ sản xuất tới bán lẻ của Việt Nam và thu hàng tỷ USD từ cổ tức. Điều này, theo ông, khiến nền sản xuất "vốn đã ốm yếu trở nên rất mong manh".
Cùng đó, loạt thủ tục siết chặt, chưa hợp lý trong phòng cháy chữa cháy, hay ách tắc kiểm định ôtô, lãi suất cao là những cú bồi khiến doanh nghiệp "knock out" ngay trên sân nhà.
"Chính phủ cần thấy rõ để tháo gỡ ngay điểm nghẽn, bởi doanh nghiệp là xương sống nền kinh tế, họ phát triển được thì đất nước mới hưng thịnh, họ suy yếu thì đất nước khó khăn", ông nhận xét.
Cũng đề cập tới lãi suất vay cao khiến dòng vốn doanh nghiệp bị "tắc", bà Tô Ái Vang, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Sóc Trăng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tín dụng linh hoạt hơn, là giao tổng room tín dụng từ đầu năm cho các nhà băng và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng.
"Việc điều hành tiền tệ cần tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột, khiến doanh nghiệp vỡ kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh", bà Ái Vang lưu ý.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiền tệ có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Còn ông Trần Anh Tuấn góp ý, các ngân hàng cần nới thủ tục cho vay với doanh nghiệp, nhất là vừa và nhỏ. Chẳng hạn, thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, thay thế bằng xem xét tính khả thi của dự án để "nguồn tiền cung ứng tốt hơn".
Ông Hoàng Đức Thắng kiến nghị Chính phủ bỏ ngay những quy định, thủ tục hành chính không hợp lý, siết chặt quá mức với doanh nghiệp. Cùng đó, nhà chức trách cần hạn chế tối đa thanh, kiểm tra và khơi thông vốn tín dụng nền kinh tế.
"Chỉ khi quyết liệt, tạo môi trường thuận lợi sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp mới phục hồi, đất nước tăng trưởng", ông nói.